Bảy Núi, còn được gọi là Thất Sơn, là một hệ sinh thái đồi núi duy nhất nằm giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trong phạm vi huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Tiểu vùng này chiếm 42% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, đa dạng về động thực vật với nhiều cây hoang dại có giá trị quý về dược liệu và lâm nghiệp. Thực vật ở khu vực Bảy Núi có khoảng 815 loài thuộc 5 ngành, 84 bộ, 145 họ, 50 chi, trong đó nhóm cây gỗ lớn có trên 116 loài, nhóm cây dược liệu có giá trị rất lớn cả về y học và nguồn lợi kinh tế cho người dân địa phương. Theo khảo sát, mỗi năm các công ty dược đóng trên địa bàn hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên nói riêng và các Trung tâm Đông y của tỉnh An Giang nói chung cần khoảng 180 tấn dược liệu với 56 loài cây thuốc. Đây vừa là cơ hội để người dân địa phương phát triển sinh kế, vừa là một thách thức cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên rừng.
Từ xa xưa, việc canh tác cây nông nghiệp và dược liệu xen lẫn dưới tán cây rừng đã là một tập quán quen thuộc của người dân vùng rừng núi. Hệ thống canh tác xen canh này giúp con người tạo ra lương thực thực phẩm từ cây nông nghiệp đồng thời có thể thu hoạch các sản vật từ rừng tự nhiên. Cho đến những năm 70 của thế kỉ thứ XX, thuật ngữ “nông lâm kết hợp” mới được ra đời từ nghiên cứu chiến lược của Trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc tế của Canada (IDRC), dẫn dắt bởi nhà kiểm lâm John Bene. Cũng từ đây, Hội đồng quốc tế về nghiên cứu nông lâm kết hợp (ICRAF) đã được ra đời, thúc đẩy nghiên cứu nông lâm kết hợp (NLKH) ở các quốc gia đang phát triển. Ở thời điểm hiện tại, theo ICRAF, nông lâm kết hợp không chỉ là hình thức canh tác cây nông nghiệp dưới tán rừng tự nhiên mà nó có thể bao gồm việc trồng các cây gỗ lớn trong nông trại hay đất cảnh quan nông nghiệp, việc trồng trọt trong rừng hay dọc theo bìa rừng hoặc việc sản xuất xen canh cây rừng - cây trồng kết hợp.
Thách thức của các nhà làm chính sách ở các khu vực canh tác nông lâm kết hợp đó là cân bằng giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong nhiều năm, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã khuyến khích người dân canh tác theo nhiều dạng mô hình nông lâm kết hợp khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay người nông dân đang có xu hướng tăng diện tích trồng cây nông nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích đất rừng. Trước thực trạng đó, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp cho vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang” với mục tiêu đánh giá các mô hình canh tác NLKH trên cơ sở đánh giá tính thích nghi đất đai để xây dựng và phát triển có hiệu quả các mô hình NLKH cho vùng Bảy Núi. Dự án được thực hiện tại 2 khu vực có tầm quan trọng lớn về kinh tế và sinh thái của vùng Bảy Núi đó là khu vực Núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên và khu vực Núi Dài thuộc huyện Tri Tôn.
Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện tại khu vực Núi Dài, thuộc huyện Tri Tôn với các mục tiêu (i) mô tả tổng quan thông tin các nông hộ canh tác NLKH, (ii) xác định hiện trạng canh tác và các mô hình NLKH hiện hữu và (iii) xác định hiệu quả kỹ thuật và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật của các nông hộ sản xuất NLKH tại khu vực Núi Dài, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Thông qua việc phỏng vấn ngẫu nhiên 89 nông hộ sử dụng bảng câu hỏi được soạn sẵn, các dữ liệu về hoạt động canh tác, tổng thu nhập và điều kiện tự nhiên đã được thu thập và phân tích. Kết quả cho thấy, có 13 mô hình canh tác nông nghiệp hiện hữu ở khu vực Núi Dài, trong đó có 6 mô hình nông lâm kết hợp và 7 mô hình thuần cây nông nghiệp hoặc cây rừng. Thu nhập từ mô hình nông lâm kết hợp chiếm 40,94% tổng thu nhập hằng năm của nông hộ với lợi nhuận mà các mô hình này hàng năm đem lại dao động từ 6,71 - 23,3 triệu đồng/ha. Các yếu tố đầu vào bao gồm diện tích đất canh tác, thuê công trồng cây và công thu hoạch hằng năm có tương quan thuận với thu nhập từ các mô hình canh tác. Hiệu quả kỹ thuật (TE) của các mô hình canh tác đạt trung bình (49,46%). Các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến TE gồm dân tộc, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và loại đất canh tác, trong khi yếu tố nhân khẩu có ảnh hưởng tiêu cực đến TE. |