Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (29/03/2024) ]
|
Độ hữu thụ hạt phấn ở một số thời điểm nở hoa trong ngày khác nhau và ảnh hưởng đến khả năng kết hạt của một số giống khổ qua (Momordica charantia L.) trồng tại TP Hồ Chí Minh.
|
|
Nghiên cứu do các tác giả Phan Đặng Thái Phương, Nguyễn Thùy Dương, Vũ Văn Ba hiện đang công tác tại Khoa Khoa học Sinh học, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh thực hiện.
|
Lai tạo giống cây trồng là một trong những phương pháp hiệu quả tạo ra những dòng/giống mới có các đặc tính nông học mong muốn như sinh trưởng tốt, năng suất và chất lượng cao, thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh cũng như điều kiện bất lợi của môi trường... Trong quá trình lai tạo, hạt phấn là vật liệu trực tiếp tham gia vào quá trình lai thông qua hoạt động thụ phấn hoa. Chất lượng hạt phấn quyết định đến khả năng đậu trái và sự hình thành hạt. Hạt phấn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nhiệt độ, ẩm độ, thời điểm nở hoa và đặc tính giống...
Cây khổ qua là cây giao phấn có thời gian nở hoa và giao phấn dài. Do vậy, hạt phấn khổ qua cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Việc đánh giá chất lượng hạt phấn là rất cần thiết để sản xuất khổ qua và sản xuất hạt giống đạt kết quả cao. Trong nghiên cứu này, hạt phấn của giống khổ qua địa phương (BD2) và giống thương mại (F1) được đánh giá độ hữu thụ ở 8 thời điểm nở hoa (từ 8-11 giờ 30 phút) trong vụ đông xuân 2020 tại TP Hồ Chí Minh. Tự thụ phấn cho 2 giống khổ qua trong khoảng thời gian 8-9 giờ để đánh giá khả năng kết hạt của chúng. Kết quả cho thấy, giống khổ qua địa phương (BD2) có độ hữu thụ hạt phấn cao nhất (61,26%) tại thời điểm thu hoa là 8 giờ 30 phút sáng và thấp nhất (46,22%) tại thời điểm 9 giờ sáng. Trong khi đó, giống thương mại F1 có độ hữu thụ cao nhất ở thời điểm 11 giờ (94,05%) và thấp nhất ở thời điểm 8 giờ (79,58%). Độ hữu thụ của giống BD2 là 60,21%, số hạt/quả trung bình là 33,50 và tỷ lệ hạt mẩy/quả trung bình là 71,72%. Tương tự, độ hữu thụ của giống thương mại F1 là 85,55%, số hạt/quả trung bình là 11,25 và tỷ lệ hạt mẩy/quả trung bình là 84,90%. Đây là thông tin tham khảo có giá trị, ứng dụng trong quá trình lai tạo giống khổ qua.
|
nttvy
Theo Tạp chí khoa học công nghệ Việt Nam 2022 |