Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Đánh giá hiệu quả bảo vệ vắc xin bất hoạt từ Streptococcus agalactiae (GBS) hoang dại trên cá rô phi
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc-xin S. agalactiae AG5 (thuộc nhóm B, GBS) bất hoạt bằng formol trên cá rô phi đỏ (Oreochromis sp.) bằng phương pháp cho ăn.

Ở nước ta những năm gần đây, cá rô phi đỏ (Oreochromis sp.) được nuôi trồng phổ biến và rộng rãi ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, mang lại nguồn giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng sang nuôi thâm canh đã gây nên nhiều hệ lụy đối với môi trường, nghiêm trọng hơn là gây ra nhiều loại dịch bệnh. Một trong những bệnh nguy hiểm đối với cá rô phi đỏ (Oreochromis sp.) là bệnh phù mắt, xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây ra. Bệnh có tần suất xuất hiện từ 95 - 100% ở các tháng có nhiệt độ cao với tỷ lệ gây chết cộng dồn lên đến 42 - 100% đàn cá nuôi, làm thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi cá rô phi tại Việt Nam; do việc dùng kháng sinh không đúng cách, vi khuẩn kháng kháng sinh nên điều trị bệnh bằng kháng sinh không hiệu quả. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thay thế cho kháng sinh để phòng bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi an toàn, hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là vô cùng cần thiết.

Vắc-xin bất hoạt thường được tạo ra từ việc làm mất khả năng lây nhiễm của mầm bệnh thông qua các quá trình như nhiệt độ, bức xạ hay sử dụng formol. Vắc-xin bất hoạt được xem là an toàn do kháng nguyên của chúng không có khả năng lây nhiễm, ổn định và chi phí thấp. Vắc-xin phòng bệnh do S. agalactiae ở cá rô phi đã được nghiên cứu và ứng dụng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới. Phương pháp chế tạo vắc- xin bất hoạt bằng formol được áp dụng rộng rãi và được nhiều nhà khoa học áp dụng hiện nay. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng chủng Streptococcus agalactiae AG5 (Group B Streptococcus, GBS) hoang dại phân lập từ mẫu bệnh phẩm cá rô phi đỏ nuôi bè tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để điều chế vắc-xin bất hoạt bằng formol nhằm hướng đến nâng cao hiệu quả bảo vệ RPS của vắc-xin trong phòng bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi đỏ.


Hệ thống thử nghiệm hiệu quả bảo vệ RPS (relative percentage survival) vắc-xin bất hoạt chủng S. agalactiae AG5 trên cá rô phi đỏ 5 - 7 g/con (trái); trọng lượng và kích cỡ cá rô phi đỏ dùng trong thử nghiệm (phải).

Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và cá được cho ăn thức ăn đã trộn vắc-xin với nồng độ lần lượt là 104; 105; 106; 107; 108 CFU/g. Sau 3 tuần, tiến hành cảm nhiễm với chủng S. agalactiae AG5 bằng phương pháp tiêm 100 µL vào ổ bụng theo liều LD50 = 6,87 × 103 CFU/mL, theo dõi trong 1 tuần sau cảm nhiễm để xác định hiệu quả bảo vệ RPS.

Nghiên cứu này đã tạo được vắc-xin bất hoạt từ chủng hoang dại S. agalactiae AG5 (GBS) bằng formol với mật độ vi khuẩn tương đương 109 CFU/mL. Kết quả vắc-xin được đánh giá an toàn cho cá với hiệu quả bảo vệ RPS khi cho ăn vắc-xin bất hoạt ở nồng độ 104; 105; 106 và 108 CFU/g có tỷ lệ cá chết trên 30%, hiệu quả bảo vệ dưới 45%. Ở nghiệm thức sử dụng nồng độ 107 CFU/g, hiệu quả bảo vệ cao nhất đạt 50%. Kết quả nghiên cứu cho thấy cá rô phi đỏ có đáp ứng miễn dịch sau 3 tuần cho ăn vắc-xin với hiệu giá kháng thể trung bình ở các nghiệm thức sử dụng vắc-xin từ 2,24 ± 0,20 đến 3,59 ± 0,42.

lttsuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, số 23, Năm 2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->