Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Sự lưu hành và đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Pasteurella multocida phân lập từ dê nuôi tại thành phố Cần Thơ
Tổng số 289 mẫu dịch mũi được thu thập từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 để xác định tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Pasteurella multocida trên đàn dê nuôi tại một số trại chăn nuôi quy mô vừa ở Thành phố Cần Thơ.

Dê là đối tượng vật nuôi đang phổ biến tại Việt Nam bởi tính thích nghi tốt cho nguồn lợi kinh tế ổn định. Tuy nhiên, dê cũng như một số loài gia súc nhai lại khác thường mắc phải những căn bệnh nguy hiểm làm tổn thất kinh tế cho chủ trong quá trình nuôi dưỡng; trong đó bệnh trên đường hô hấp do Pasteurella multocida gây hậu quả khá nghiêm trọng. Trong 254 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bệnh tụ huyết trùng trên dê và cừu thì có 53 mẫu là tồn tại vi khuẩn P. multocida, chiếm tỉ lệ 20,87%. Theo các nghiên cứu trước đây, trên mẫu huyết thanh dê nuôi được lấy ngẫu nhiên ở miền Bắc Ethiopia, kết quả đã cho thấy P. multocida type A xuất hiện ở 21/124 mẫu chiếm tỷ lệ 16,9%. Các nghiên cứu trên đều cho thấy P. multocida có thể hiện diện phổ biến trên động vật khỏe và mắc bệnh. Phần lớn kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi không những vì mục đích chữa bệnh mà còn được áp dụng để kích thích tăng trưởng và phòng bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và rộng rãi này trong chăn nuôi đã khiến đề kháng thuốc ở vi khuẩn trở nên phức tạp hơn. Khi tiến hành kiểm tra mức độ đề kháng đối với một số loại kháng sinh thường sử dụng đã cho thấy P. multocida đề kháng cao với kháng sinh gentamycin chiếm 66,67%. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với kháng sinh đã khiến quần thể vi khuẩn trên động vật hình thành gene kháng thuốc. Tiến hành kiểm tra sự hiện diện gene đề kháng thuốc của P. multocida được phân lập từ dịch mũi và mô phổi cừu cho thấy có 14/28 chủng chiếm 50,00% mang gene strA và 12/28 chủng chiếm 42,86% mang gene sulII. Các kết quả trên đã cho thấy nguy cơ gây bệnh và đề kháng kháng sinh cao của P. multocida, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cũng như nguy cơ lây truyền các chủng kháng kháng sinh cho các đối tượng khác trong môi trường chăn nuôi.

Hiện nay, các nghiên cứu về P. multocida đã được thực hiện trên các loài động vật, nhưng các báo cáo trên dê vẫn còn rất ít, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tại Việt Nam. Do đó, kết quả nghiên cứu về kháng thuốc và sự hiện diện của các gene đề kháng kháng sinh trên P. multocida được phân lập từ dê trong nghiên cứu này có thể cung cấp những thông tin cần thiết cho người chăn nuôi, cơ quan quản lý về tình hình dịch bệnh cũng như tăng cường quản lý và sử dụng kháng sinh hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh do P. multocida gây ra.


Vi khuẩn P. multocida hiện diện cao trên dê tại các trại chăn nuôi khảo sát ở TP. Cần Thơ, chiếm tỷ lệ 49,48%, điều này cho thấy nguy cơ gây bệnh cao cho đàn dê tại đây. Mặt khác, vi khuẩn P. multocida trên dê đã có biểu hiện đề kháng cao đối với kháng sinh ampicillin và nhiều kiểu hình đa kháng được ghi nhận. Ngoài ra, các chủng P. multocida có thể mang nhiều gene đề kháng kháng sinh, trong đó gene sulII và kiểu ghép gene aadB + sulII là phổ biến nhất. Nghiên cứu đã cho thấy sự cần thiết trong việc quản lý sự hiện diện của các chủng P. multocida đề kháng kháng sinh trên đàn dê nhằm bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh trong chăn nuôi.

lttsuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, số 23, năm 2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->