Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (23/03/2024) ]
Phân tích hàm lượng kim loại nặng trong tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp quang phổ phát xạ cao tần ghép nối khối phổ ICP-MS
Trong nghiên cứu này, hàm lượng kim loại nặng tồn dư trong tôm được xác định bằng phương pháp quang phổ phát xạ cao tần ghép nối khối phổ ICP-MS sau khi vô cơ hóa mẫu bằng axit nitric (HNO3) và hydro peroxit (H2O2).

Trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động mạnh và nhận được rất nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới. Trong đó, ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thực trạng nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không hiệu quả trước khi thải ra các sông lớn ở các nhà máy, khu công nghiệp và khu dân cư vẫn còn diễn ra. Tại các khu công nghiệp, có đến hàng trăm tấn chất thải độc hại như kim loại nặng, chất tẩy rửa, phân bón, thuốc trừ sâu,...  thải ra môi trường nước mỗi ngày.

Ô nhiễm môi trường nước không chỉ đe dọa đến sức khỏe của người dân quanh khu vực ô nhiễm, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Hiện tượng tôm cá chết hàng loạt xảy ra thường xuyên ở các khu vực lân cận khu công nghiệp và khu chế xuất. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do thủy sản bị ô nhiễm kim loại nặng từ nguồn nước. Nhiều kim loại là những nguyên tố vi lượng thiết yếu cho con người và động vật như sắt (Fe), đồng (Cu), kẽm (Zn),  natri (Na), kali (K), canxi (Ca), magie (Mg) nhưng nếu hàm lượng quá cao hoặc thoi nhiễm bởi các kim loại này sẽ gây ngộ độc cấp tính cho sinh vật sống. Asen (As), chì (Pb), thủy ngân (Hg), cadimi (Cd), crom (Cr), nikel (Ni) không cần thiết cho quá trình trao đổi chất và độc hại cho sinh vật sống dù ở hàm lượng rất thấp.

Thông thường, kim loại nặng tích lũy qua cơ thể sinh vật thông qua thức ăn và sự thoi nhiễm khi sống trong môi trường bị ô nhiễm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu sử dụng thực phẩm từ các nguồn động thực vật trên. Tồn dư kim loại nặng trong cơ thể lâu dần là nguyên nhân gây ung thư, căn bệnh chết người đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ ung thư cao.

Trong những năm gần đây, việc nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản tại Việt Nam đều tăng; trong đó, tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nguồn nước chính dùng để nuôi trồng thủy sản hiện nay lại đang bị ô nhiễm kim loại nặng như đã đề cập ở trên. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài sẽ ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng nuôi trồng và năng suất tiêu thụ tôm. Do đó, việc khảo sát và thu thập số liệu về hàm lượng kim loại nặng tồn dư trong thực phẩm nói chung và trong tôm thẻ chân trắng nói riêng là vấn đề cấp thiết.

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang được quan tâm.  TP.HCM là nơi có lượng tiêu thụ thực phẩm hàng ngày cao nhất cả nước nên nghiên cứu này tập trung thu thập những mẫu tôm thẻ chân trắng trên địa bàn một số chợ trong khu vực để đánh giá hàm lượng kim loại nặng tồn dư trong tôm. Kết quả nghiên cứu góp phần cảnh báo và nâng cao nhận thức của người dân về chất lượng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày.


Tôm thẻ chân trắng

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay, có nhiều phương pháp để xác định hàm lượng vết kim loại như quang phổ hấp thu nguyên tử lò graphit (Graphite Fur-nace Atomic Absorption  Spectrometry - GF-AAS), quang phổ hấp thu nguyên tử ngọn lửa (Flame Atomic Absorption Spectrometry - F-AAS), quang phổ phát xạ cao tần ghép nối  khối  phổ  (Inductively Coupled Plasma Mass  Spectrometry - ICP-MS), quang phổ phát xạ kết hợp tự cảm (Inductively Coupled Plasma Atomic Emission Spectrometry - ICP-AES). Trong đó, ICP-MS là phương pháp có độ nhạy cao, độ tuyến tính rộng, ổn định, xác định đồng thời nhiều kim loại nặng trong một lần đo nên giảm thời gian phân tích, tiết kiệm dung môi - hóa chất. Do đó, trong nghiên cứu này, hàm lượng kim loại nặng (As, Pb, Cd, Hg, Cr, Ni, Mn) trong tôm thẻ chân trắng được xác định bằng thiết bị ICP-MS nhằm nâng cao mức độ tin cậy của phương pháp phân tích.

Phương pháp phân tích kim loại nặng bằng ICP-MS trong nghiên cứu này có độ nhạy và độ tin cậy cao, thời gian phân tích mẫu ngắn, có thể áp dụng cho nhiều nền mẫu khác nhau. Quy trình phân tích kim loại nặng trong tôm khá đơn giản, phù hợp để phân tích đồng thời nhiều nguyên tố kim loại cho cùng một lần đo. Khoảng tuyến tính và đường chuẩn có hệ số tương quan cao R2 > 0.999. Phương pháp có độ chụm (%RSD < 15%), độ đúng (F<Fcrit), độ lặp lại ANOVA (SR < 5%), độ tái lập (R < 5%) và hiệu suất thu hồi (cao hơn 90%) đáp ứng theo yêu cầu theo 2002/EC/657.

Hàm lượng kim loại nặng tồn dư trong các mẫu tôm thẻ chân trắng được thu mua ở các chợ trên địa bàn TP.HCM dao động từ 0.53 - 551.80 μg/kg, không vượt quá giới hạn tối đa cho phép của Bộ Y tế (1,000 μg/kg đối với Mn, 500 μg/kg đối với các kim loại còn lại) nên an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. Kim loại Pb và Cd đều không phát hiện trong 10 mẫu được phân tích. Có 4 mẫu phát hiện As (mẫu cao nhất là 445.39 μg/kg < 500 μg/kg), 1 mẫu phát hiện Hg (52.23 μg/kg << 500 μg/kg), 1 mẫu phát hiện Cr (77.41 μg/kg << 500 μg/kg), 2 mẫu phát hiện Ni (mẫu cao nhất là 262.38 μg/kg < 500 μg/kg). Các mẫu phân tích đều phát hiện Mn với hàm lượng trung bình là 0.38±0.03 mg/kg.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng Số 10.2019
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->