Tinh dầu hồi là chất lỏng, không màu hoặc màu vàng nhạt, mùi hơi đặc biệt, vị ngọt, khi để lạnh thì kết tinh, là sản phẩm chủ yếu thu từ quả hồi và thân lá hồi với thành phần chủ yếu là Anethole (ước tính chiếm khoảng 80 - 90%). Các dược điển nước ngoài thường quy định hàm lượng trans-anethol trong tinh dầu hồi phải cao hơn 85%. Thành phần này trong tinh dầu hồi Việt Nam thường đạt từ 84 - 93%. Dịch trích từ tinh dầu hồi (Illicium verum) sử dụng làm thuốc dạ dày, lợi tiểu, được sử dụng như dược phẩm chức năng. Acid shikimic chiết xuất từ I.verum là một trong những thành phần chính trong thuốc kháng virus Tamiflu, dùng để chống lại cúm gia cầm, có chứa chất kháng khuẩn, chống oxy hóa và có tiềm năng chống ung thư, là hương liệu quan trọng trong sản xuất rượu thơm, trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm. Trong công nghiệp hóa chất, dầu hồi và các chất tinh cất như Oleom Anisi Stellati, Anethole, Anisi aldehyde, Anisonitrile được dùng làm hương liệu cao cấp, là thành phần quan trọng để sản xuất nước hoa và các hóa mỹ phẩm khác. Hiện tại, các nghiên cứu về Illicium verum chỉ tập trung về lĩnh vực thực phẩm và y tế, cũng như chưa có nghiên cứu sâu về tinh dầu từ cây hồi trồng ở Cao Bằng. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tối ưu quá trình chiết xuất và xác định thành phần hóa học trong tinh dầu hồi hồi Cao Bằng.
Vật liệu nghiên cứu: Mẫu thực vật phần trên mặt đất của cây Đại hồi llicium Verum được thu hái tại tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Mẫu được lưu tại Khoa Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên.
Phương pháp bố trí thí nghiệm:
(1) Thí nghiệm 1: Phân tích nguyên liệu hoa hồi.
Cân 2g hoa hồi phân tích chỉ tiêu sau: Độ ẩm nguyên liệu, tro tổng số. Cân 100g hoa hồi để phân tích tỉ lệ tinh dầu.
(2) Thí nghiệm 2: Nghiên cứu điều kiện chưng cất.
(3) Thí nghiệm 3: Ảnh hưởng của tỷ lệ dung môi/ nguyên liệu.
Các tỉ lệ dung môi 4/1, 5/1, 6/1, 7/1, 8/1 (mL/g) được sử dụng trong nghiên cứu. Lựa chọn công thức tốt nhất cho các nghiên cứu tiếp theo.
(4) Thí nghiệm 4: Ảnh hưởng của thời gian chưng cất.
Khảo sát các thời gian chưng cất 60, 70, 80, 90, 100 phút. Tiến hành thí nghiệm theo quy trình dự kiện, lựa chọn công thức tốt nhất cho thí nghiệm tiếp theo.
(5) Thí nghiệm 5: Ảnh hưởng của nhiệt độ chưng cất.
Khảo sát nhiệt độ chưng cất khác nhau: 100oC, 105oC, 110oC, 115oC. Tiến hành thí nghiệm theo quy trình dự kiến, lựa chọn công thức tốt nhất cho thí nghiệm tiếp theo.
(6) Thí nghiệm 6: Ảnh hưởng của kích thước nguyên liệu.
Các kích thước khác nhau lần lượt là: ≤ 1cm, ≤ 2cm, ≤ 3cm. Tiến hành thí nghiệm theo quy trình dự kiện, lựa chọn công thức tốt nhất cho thí nghiệm tiếp theo.
(7) Thí nghiệm 7: Ảnh hưởng của thời gian ngâm nguyên liệu.
Với khoảng thời gian ngâm nguyên liệu lần lượt là 0 giờ, 4 giờ, 8 giờ, 12 giờ. Tiến hành thí nghiệm theo quy trình dự kiến và các thông số đã tối ưu ở trên.
(8) Thí nghiệm 8: Phân tích cấu tử trong tinh dầu hồi: Các cấu tử trong tinh dầu hồi được xác định theo phương pháp GC/MS bằng máy GC Agilent Technologies HP7890A được trang bị đầu dò phổ khối (MSD) Agilent Technologies HP5975C và cột HP5-MS (60 m x 0,25 mm, độ dày màng 0,25µm) tại Viện Khoa học Sự sống, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Thành phần hóa học của tinh dầu hồi
Bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, nghiên cứu đã xác định được thành phần hóa học trong tinh dầu hồi bằng GC-MS. Kết quả cho thấy hàm lượng và thành phần hóa học tinh dầu hồi tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có giá trị cao mà trước đây chưa được công bố, từ đó có thể đề xuất nghiên cứu sâu hơn và ứng dụng trong việc khai thác sử dụng nguồn tinh dầu quý này trong một số lĩnh vực đời sống như y dược học và sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng. |