Hệ sinh thái đất ngập nước có vai trò rất quan trọng đối với con người và môi trường trong điều hoà không khí, lưu trữ và cung cấp nước cũng như nguồn lợi thuỷ sản và là nơi có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, khu bảo tồn Phú Mỹ thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là một trong những hệ sinh thái đất ngập nước không chỉ có giá trị về môi trường, sinh học mà còn là cơ sở và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và phục vụ nghiên cứu khoa học, đầu tư phát triển làng nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, các tác động của biến đổi khí hậu làm cho mực nước biển dâng, thời tiết thất thường (lũ lụt, hạn hán) xảy ra với tần suất ngày càng lớn dẫn đến gia tăng ngập lụt, xâm nhập mặn cũng như các hoạt động xâm lấn, tác động của con người đã và đang đe doạ đa dạng sinh học nói chung và đa dạng thực vật nói riêng tại KBT.
Theo Kandi và cs (2011), nghiên cứu về thực vật không chỉ quan trọng để biết nhiều loại thực vật hiện diện trong một khu vực mà còn cả ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà các loài thực vật mang lại. Theo đó, thực vật bậc cao tại khu bảo tồn là nơi trú ẩn của nhiều loài chim di cư và định cư, nơi đẻ trứng của nhiều loài thuỷ sinh vật, đặc biệt là nguồn cung cấp dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của quần thể Sếu đầu đỏ - loài chim đẹp, quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hệ thực vật bậc cao có nhiều công dụng như làm thuốc, lấy gỗ, làm phân xanh cải tạo đất, đồ thủ công mỹ nghệ, nguồn thức ăn cho người và động vật. Do đó, nghiên cứu đánh giá đa dạng hệ thực vật bậc cao, giá trị sử dụng, mức độ nguy cấp và các tác nhân ảnh hưởng đến sự đa dạng hệ thực vật tại KBT Phú Mỹ là thật sự cấp thiết, có nhiều ý nghĩa giúp cho Ban quản lý khu bảo tồn có biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý.
Tiến hành khảo sát các loài thực vật bậc cao trên 11 sinh cảnh đặc trưng tại KBT. Kết quả thống kê được, hệ thực vật tại KBT có tổng số 45 loài thuộc 37 chi, 20 họ của 2 ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và Ngọc Lan (Magnoliophyta). Trong đó, ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta) chiếm ưu thế với 43 loài, 35 chi và 18 họ. Họ Hòa thảo (Poaceae), họ Cói (Cyperaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Súng (Nymphaeaceae) có số loài đa dạng nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã xác định được dạng cây thân thảo chiếm tỷ lệ cao trong 6 dạng thân chính (21 loài, chiếm 46,67%). Hệ thực vật tại khu vực nghiên cứu có 9 nhóm công dụng với 26 loài và nhóm cây làm thuốc chiếm ưu thế với 23 loài. Đặc biệt, xuất hiện hai loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở mức “sẽ nguy cấp – VU” là Lúa ma (Oryza rufipogon Griff.) và Cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz). Các loài thực vật phân bố không đồng đều trên các sinh cảnh được khảo sát và Bàng – Năng – Cỏ mồm được xác định là sinh cảnh có số loài thực vật đa dạng nhất. Công tác quản lý tại KBT còn nhiều bất cập, do đó để đảm bảo tính đa dạng sinh học của hệ thực vật, các nhóm giải pháp cần được nâng cao và thực hiện tại KBT bao gồm giải pháp về chính sách pháp luật, khoa học kỹ thuật (đào tạo nguồn nhân lực và cần thiết thực hiện điều tra, đánh giá hệ thực vật hàng năm tại KBT); giải pháp giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. |