Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (21/05/2023) ]
Ảnh hưởng của sóng siêu âm đến sự thay đổi sinh lý và hoạt tính chống oxy hóa của trái đậu bắp sau thu hoạch
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Trung Trực, Lâm Hòa Hưng, Huỳnh Thị Phương Thảo, Cao Tấn Pul, Ôn Tiểu Phương - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của chế độ xử lý sóng siêu âm đến sự thay đổi màu sắc, tốc độ hô hấp, độ cứng và hoạt tính chống oxy hóa của trái đậu bắp sau thu hoạch.

Đậu bắp (Abelmoschus esculentus L.) là loại cây trồng giàu các chất dinh dưỡng và các thành phần hoạt tính sinh học như chất xơ, vitamin, dầu, polysaccharides và polyphenol. Những thành phần này góp phần làm cho đậu bắp có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, hạ đường huyết và các chức năng khác. Do vậy, đậu bắp đã trở thành một loại cây trồng quan trọng về kinh tế ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Trong lĩnh vực thực phẩm, trái đậu bắp đã được sử dụng như một loại rau và được dùng trong các món salad, súp và hầm. Tuy nhiên, trái đậu bắp tươi có thời gian sử dụng ngắn do tốc độ hô hấp mạnh và sự mất nước cao. Sự thay đổi sinh lý sau thu hoạch làm giảm giá trị dinh dưỡng, hạn chế thời gian tồn trữ và ảnh hưởng đến giá trị kinh tế của trái đậu bắp. Do vậy, việc sử dụng các biện pháp xử lý sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian tồn trữ, duy trì giá trị dinh dưỡng và hoạt tính chống oxy hóa của đậu bắp là việc cần thiết. Các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy, đậu bắp sau thu hoạch được kéo dài thời gian tồn trữ và duy trì giá trị dinh dưỡng bằng cách sử dụng các biện pháp xử lý như 1-Methylcyclopropene, màng bao edible coating (alginate), polyamine (putrescine) hoặc tồn trữ trong điều kiện nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý trên có nguồn gốc hóa học có thể không an toàn với người tiêu dùng hoặc gây ra tổn thương lạnh và chi phí tồn trữ cao. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm các giải pháp thay thế là cần thiết.

Sóng siêu âm là một dạng năng lượng được tạo ra bởi sóng âm ở tần số cao (> 16 kHz) mà tai người không thể phát hiện. Sóng siêu âm là một kỹ thuật mới được dùng để xử lý rau quả sau thu hoạch nhằm mục đích duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản. Khi so sánh sóng siêu âm với các phương pháp xử lý sau thu hoạch khác thì sóng siêu âm an toàn hơn, không độc hại và thân thiện với môi trường. Các nghiên cứu cho thấy sóng siêu âm có tác dụng duy trì độ cứng, hàm lượng vitamin C, phenolics và hoạt tính chống oxy hóa của quả dâu tây, cà chua. Ngoài ra, sóng siêu âm còn cho thấy khả năng giảm tốc độ hô hấp và duy trì chất lượng của trái táo sau thu hoạch. Từ các nghiên cứu trên có thể thấy sóng siêu âm có tiềm năng trong việc làm giảm sự thay đổi sinh lý sau thu hoạch, duy trì chất lượng và hoạt tính chống oxy hóa trên trái cây. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của sóng siêu âm đến sự thay đổi sinh lý và hoạt tính chống oxy hóa của trái đậu bắp sau thu hoạch chưa được nghiên cứu. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của chế độ xử lý sóng siêu âm đến sự thay đổi màu sắc, tốc độ hô hấp, độ cứng và hoạt tính chống oxy hóa của trái đậu bắp sau thu hoạch.

Nghiên cứu ảnh hưởng của sóng siêu âm đến sự thay đổi sinh lý và hoạt tính chống oxy hóa của trái đậu bắp sau thu hoạch đã được thực hiện ở các chế độ 58 kHz-1,5 phút, 132 kHz-1,5 phút, 58 kHz-2,0 phút và nghiệm thức đối chứng không xử lý sóng siêu âm. Kết quả cho thấy, đậu bắp được xử lý ở tần số 58 kHz trong thời gian 1,5 phút (58 kHz-1,5 phút) có tác dụng làm chậm sự thay đổi sinh lý từ ngày 6 đến cuối giai đoạn tồn trữ như giảm tốc độ hô hấp, độ cứng, sự thay đổi màu sắc và tổn thất khối lượng khi so với nghiệm thức đối chứng, nghiệm thức 132 kHz-1,5 phút và 58 kHz-2,0 phút. Bên cạnh đó, nghiệm thức 58 kHz-1,5 phút đã duy trì hàm lượng của các hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa như chlorophyll, vitamin C và phenolics cao hơn nghiệm thức đối chứng ở ngày 3 đến ngày 9 của quá trình tồn trữ. Vì vậy, sóng siêu âm có tiềm năng trong việc kéo dài thời gian tồn trữ và duy trì hàm lượng các hợp chất chống oxy hóa của trái đậu bắp sau thu hoạch.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kỳ 2 - Tháng 12/2022 (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->