Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (05/10/2022) ]
Nghiên cứu thành phần hóa học nguồn nước phục vụ bảo tồn gen và phát triển chuỗi giá trị bò H’mông ở miền núi phía Bắc
Nghiên cứu do các tác giả Vũ Thị Minh Hồng, Đỗ Thị Hải - Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện nhằm nghiên cứu thành phần hóa học nguồn nước phục vụ bảo tồn gen và phát triển chuỗi giá trị bò H’mông ở miền núi phía Bắc.

Để có được sản phẩm thịt bò H’mông sạch, trước tiên phải đảm bảo nguồn thức ăn và nguồn nước uống cung cấp cho bò phải sạch và an toàn. Các nguồn nước được sử dụng phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT do Bộ Y tế ban hành.

Nghiên cứu thành phần hóa học và các thông số của nước, từ đó đánh giá hiện trạng chất lượng nguồn nước mặt (nước từ khe núi đá) và nước ngầm (nước giếng khoan) trên địa bàn Trung tâm Bảo tồn gen và Phát triển giống bò H’mông tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là rất quan trọng đối với mục tiêu sản xuất thịt sạch của dự án “Ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc”. Quá trình xâm nhập của vi khuẩn, các kim loại nặng hay các chất hữu cơ có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đã và đang được Trung tâm sử dụng làm nguồn nước nuôi dưỡng và chăm sóc bò, tình trạng ô nhiễm này có thể gia tăng mạnh vào mùa mưa hàng năm. Với những luận cứ khoa học, các công cụ đánh giá chính xác, các thiết bị hiện đại với độ nhạy, độ chính xác caovà từ các kết quả phân tích các mẫu nước từ các nguồn khác nhau mà Trung tâm đã đang sử dụng, nhóm tác giả mong muốn đưa ra đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và sử dụng nước sinh hoạt và nước cung cấp cho đàn bò đảm bảo sạch và an toàn vì một mục tiêu chăn nuôi bền vững.

Dự án đặt trụ sở tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Đây là khu vực được định hướng phát triển đàn bò hạt nhân bảo tồn gen giống gốc bò H’mông. Trong chăn nuôi bò, nguồn nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của đàn bò. Ở khu vực triển khai dự án, nước sinh hoạt thường được lấy từ nguồn nước giếng khoan hoặc nguồn nước mặt từ các khe núi đá, các nguồn nước này thường có độ cứng cao và có thể bị ô nhiễm kim loại nặng, NO2- hay E. coli cao. Để đảm bảo chất lượng nước cho khu Trung tâm Bảo tồn gen và Phát triển giống bò H’mông phục vụ cho chăn nuôi đàn bò hạt nhân giống gốc, dự án đã tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu hàm lượng kim loại nặng có trong các mẫu nước mặt (từ khe núi đá) và mẫu nước ngầm từ các giếng khoan tại Trung tâm đã và đang cung cấp làm nước sinh hoạt và phục vụ cho dự án. Các mẫu nước mặt và nước ngầm được lấy vào các thời điểm khác nhau trong năm và được phân tích bằng thiết bị hiện đại với độ nhạy, độ chính xác cao, giới hạn phát hiện tới mức ppt (ng/l).

Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên có thể kết luận như sau:

- Với phương pháp phân tích hiện đại có độ nhạy cao, khả năng lặp lại lớn nên đã bước đầu xác định được hàm lượng một số kim loại nặng: Pb, As, Hg, Cu... có trong nước mặt, nước ngầm ở khu vực khảo sát.

- Các chỉ tiêu phân tích và hàm lượng của các nguyên tố kim loại nặng trong các mẫu nước mặt nghiên cứu (nước từ khe núi) đều thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép, chứng tỏ chưa có tình trạng ô nhiễm nước ở khu vực nêu trên.

- Về nước ngầm (nước giếng khoan), chỉ tiêu sắt tổng số vượt tiêu chuẩn cho phép, chỉ tiêu nitrit (NO2-) và độ cứng mặc dù thấp hơn ngưỡng cho phép nhưng cũng khá cao, nếu sử dụng cho mục đích sinh hoạt và cung cấp cho bò cần được khử trùng và xử lý độ cứng sơ bộ.

- Quan trắc môi trường là công tác thường xuyên liên tục, việc nghiên cứu của chúng tôi chỉ được tiến hành trong một thời gian khá ngắn, số lượng mẫu chưa nhiều. Qua đó cho biết kết quả phân tích ban đầu về hàm lượng một số kim loại nặng có trong một số mẫu nước giếng khoan cao hơn so với giới hạn cho phép (QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế). Tuy nhiên, các nguyên nhân gây ô nhiễm kim loại nặng có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu vấn đề này để có thể đưa ra kết luận đầy đủ hơn về tồn dư kim loại nặng trong nước cấp cho sinh hoạt, đồng thời có thể quản lý một cách phù hợp việc khai thác nguồn tài nguyên nước để sử dụng.

nthang
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 64 - Tháng 3/2022
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->