Tự nhiên [ Đăng ngày (05/10/2022) ]
Nghiên cứu thực hiện chuyển đổi số trong quản lý năng lượng và bảo dưỡng trong các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
Nghiên cứu do Phạm Văn Khá, Trương Minh Thắng - Trường Đại học Giao thông Vận tải thực hiện.

Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các cơ sở sản xuất công nghiệp nhất là những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL), lồng ghép với các hệ thống quản lý khác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất năng lượng. Tuy nhiên, việc thực hiện theo luật quy định gặp nhiều khó khăn. Một trong số đó là do người quản lý thiếu thông tin cập nhật một cách liên tục, kịp thời, đồng độ để có thể đưa ra quyết định cải thiện. Chính vì vậy việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực QLNL và bảo dưỡng là hết sức cần thiết.

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với 8 ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó, có ngành năng lượng. Xu hướng chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng nói chung và điện năng nói riêng, mà đặc biệt là sự nhập cuộc sâu rộng của nhà máy thông minh và hệ thống lưu trữ trong quản trị năng lượng. Các công nghệ số hóa đã được áp dụng khá sớm trong ngành năng lượng, so với nhiều ngành khác. Chẳng hạn như hệ thống SCADA, WAMs (hệ thống đo lường diện rộng) trong lĩnh vực điện năng. Nhưng những thay đổi đáng kinh ngạc của các công nghệ số hóa gần đây – nhất là các công nghệ nghệ cảm biến, lưu trữ, phân tích dữ liệu và mạng thông tin – cùng với sự vận dụng các kỹ thuật tự động hóa tương thích đã mở ra công cuộc chuyển đổi số trong ngành năng lượng với các kết quả vượt trội so với những tiến bộ từng có trước kia.

Thực tế triển khai cho thấy thấy, dù đồng lòng với mục tiêu xây dựng doanh nghiệp số nhưng không ít doanh nghiệp sản xuất không biết bắt đầu từ đâu và gặp không ít khó khăn. Trước tiên, phải kể đến bài toán chi phí. Khi quyết định chuyển đổi số, doanh nghiệp chấp nhận thay đổi quy trình, hệ thống và cả con người. Điều này đòi hỏi một ngân sách đủ lớn để làm đồng bộ, toàn diện, phù hợp không chắp vá. Khi chưa nhìn thấy một kết quả rõ ràng, việc đầu tư một ngân sách lớn cho hệ thống khiến chủ doanh nghiệp không khỏi lo lắng. Tiếp theo là những thách thức về thay đổi tư duy ngay trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng của công nghệ mà là bài toán khó của chính con người, những người làm chủ và vận hành doanh nghiệp. Cho dù sở hữu một hệ thống tiên tiến, hiện đại, nhưng tư duy lối mòn lại trở thành rào cản khiến công nghệ không được khai thác và ứng dụng hiệu quả. Bởi vậy, không ngừng học hỏi là không thể thiếu nếu doanh nghiệp muốn vượt qua rào cản về tư duy.

Tiếp đến là vấn đề dữ liệu không đồng nhất do thiếu đào tạo, hướng dẫn, thiếu những định nghĩa chung để tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp cùng hoạt động, thiếu các bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để cán bộ quản lý theo dõi và đưa ra những quyết định điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, tổ chức chức năng và mã hoá thường chưa có hoặc có tạo ra theo hoàn cảnh và không nhất quán. Cuối cùng, lựa chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của mình chính là thách thức lớn nữa mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể thực hiện được việc chuyển đổi số một cách thành công đề tài hướng đến việc giải quyết một số vấn đề kỹ thuật liên quan  đến  quá  trình  triển  khai.  Cụ  thể, nghiên cứu sẽ làm rõ một số khái niệm hay nhầm lẫn, đưa ra hướng dẫn cấu hình hệ thống khi triển khai; đưa ra một số tiêu chí để kiểm tra đánh giá như đường cơ sở, chỉ số hiệu quả năng lượng và một số chỉ số KPI về bảo dưỡng.


Mô hình quản lý năng lượng

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một đòi hỏi không chỉ từ yêu cầu của Nhà nước mà là nhu cầu của chính doanh nghiệp. Trước tình hình như vậy, đòi hỏi mỗi cơ sở sản xuất, mỗi nhà máy, dây chuyền hoạt động đều cần có giải pháp riêng nhằm quản lý nguồn năng lượng tiêu thụ, quản lý thiết bị, quản lý hoạt động bảo dưỡng từ đó đưa ra những phương án phù hợp cho từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc chuyển đổi số sẽ là một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trên.

Nghiên cứu đã đưa ra các bước cần thiết để một doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận vấn đề chuyển đổi số trong quản lý năng lượng và bảo dưỡng. Và nghiên cứu cũng đã đưa ra một số định nghĩa và hướng dẫn giúp tránh nhầm lẫn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, các chỉ số cần thiết cho hoạt động kiểm tra, quản lý như EnB, EnPI, MTBF, MTTR và OEE cũng được giới thiệu để doanh nghiệp có thể xem xét trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh việc số hoá các dữ liệu đầu vào thì các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào các công nghệ giúp hỗ trợ phân tích, dự báo như máy học (Machine learning), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) để hoàn thiện quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học Và Công Nghệ Năng Lượng - Trường Đại Học Điện Lực – Số 26, 2021
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
   

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->