Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (05/10/2022) ]
Bệnh giun xoắn và cách phòng trị bệnh
Bệnh giun xoắn là tình trạng nhiễm một loại giun tròn (thuộc giống Trichinella), sống ký sinh trong ruột của lợn và các loại động vật khác. Bệnh giun xoắn là bệnh rất nguy hiểm được truyền lây từ gia súc sang người. Khi ăn phải thịt bị nhiễm ấu trùng giun xoắn và chưa nấu chín, ấu trùng sẽ di chuyển vào ruột và tiếp tục quá trình phát triển thành giun trưởng thành trong một vài tuần. Để hiểu biết thêm về bệnh, xin giới thiệu một số thông tin về bệnh này:

1. Đường lây lan bệnh

+ Ở lợn: lợn có thể nhiễm giun xoắn do ăn phải phân chuột, phân lợn có kén hoặc ấu trùng giun xoắn.

+ Ở người: tính chất phát bệnh bệnh giun xoắn. Thịt được muối hoặc hun khói không đảm bảo diệt được hết kén và thường chỉ diệt được kén những kén ở lớp ngoài.

* Cơ chế sinh bệnh ở người: Khi người ăn phải thịt bị nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa được nấu chín, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén tại dạ dày, sau 1-2 giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non. Tại đây, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4-5 và kéo dài từ 10-30 ngày, giun cái đẻ ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim phải, phổi rồi tới tim trái và tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi... phát triển thành kén ở đó.

2. Triệu chứng của bệnh giun xoắn: Bệnh nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh.

a. Triệu chứng ở lợn: Khi nhiễm nặng: sau khi nhiễm 3 - 5 ngày, lợn sốt, kiết lỵ, nôn mửa, gầy sút nhanh, thường chết sau 12 - 15 ngày. Khi nhiễm nhẹ: con vật ngứa, cọ xát vào tường, đi lại khó khăn, khó nuốt, gầy yếu, hay nằm, 4 chân cứng thẳng, có khi thuỷ thũng ở mắt, chân. Triệu chứng trên kéo dài khoảng 1 tháng, sau đó không rõ rệt.

b. Triệu chứng ở người

Ở người biểu hiện rất nặng và điển hình: trong 5 - 15 ngày đầu của bệnh, giun trưởng thành gây nôn mửa, ỉa chảy giống như ngộ độc thức ăn cấp tính. Khi ấu trùng xâm nhập vào sợi cơ gây viêm cơ, đau bắp thịt, có thể nhẹ hoặc rất nặng. Khi nhiễm nặng, người khó thở, khó nhai, khó nuốt, khó nói. Thuỷ thũng quanh mắt và hai bên mặt, thân nhiệt thường cao, bạch cầu ái toan tăng. Do viêm cơ tim nặng nên mạch đập yếu, huyết áp hạ nhanh, bệnh nhân hôn mê. Có triệu chứng thần kinh, mê sảng, viêm não. Khi ấu trùng giun xoắn vào cơ thể người, ở người có hiện tượng viêm ruột, xuất huyết ở ruột. Bệnh nhân đau bụng dữ dội, ỉa chảy. Lâm sàng của người bị bệnh giun xoắn có 4 triệu chứng cơ bản:

- Phù mi mắt: Đây là dấu hiệu sớm và đặc trưng nhất của bệnh giun xoắn, đôi khi phù cả khuôn mặt, lan xuống phần cổ, vai và hai tay. Tình trạng phù mi tại chỗ đôi khi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.

- Đau và co cứng cơ: Xuất hiện khi thở sâu, khi ho, nhai, nuốt, đại tiện, đau cả trên mặt và vùng cổ, đau khi vận động, thậm chí cả khi ăn uống, nói chuyện. Đau cơ hạn chế khả năng vận động của bệnh nhân.

- Sốt nhẹ, tăng dần sau 2-3 ngày: Nhiễm ký sinh trùng giun xoắn có thể khiến thân nhiệt lên tới 390C - 400C.

- Tăng bạch cầu ái toan. Ngoài các triệu chứng trên, còn thấy xuất hiện trên da những nốt ban kiểu mề đay, hình thái đa dạng, dễ chảy máu. Thông thường, bệnh giun xoắn tiến triển trong 2 - 3 tuần, cao điểm của bệnh vào cuối tuần đầu. Trẻ em thường nhiễm giun xoắn nhẹ hơn so với người lớn.

- Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: xảy ra ngay tuần đầu hoặc tuần thứ 2 sau mắc bệnh, trường hợp nặng bệnh nhân có thể tử vong do suy cơ tim. Các biến chứng khác có thể xuất hiện vào tuần thứ 3 hoặc thứ 4, bao gồm viêm cơ, viêm phổi, viêm não, cũng có khả năng gây tử vong. Tuỳ theo mức độ và thời gian mà người bệnh nhiễm ấu trùng giun xoắn, tỷ lệ tử vong dao động từ 6-30%.

Các triệu chứng khác của nhiễm giun xoắn có thể kể đến như tiêu chảy, khát nước, đổ nhiều mồ hôi, cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi và suy kiệt.

3. Chẩn đoán

a. Chẩn đoán bệnh ở lợn

* Đối với lợn còn sống: Dựa vào triệu chứng lâm sàng và đặc điểm dịch tễ của bệnh. Để chẩn đoán chính xác có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Phản ứng nội bì: dùng kháng nguyên chế từ ấu trùng giun xoắn trong nước sinh lý, tiêm trong da. Phương pháp này có độ chính xác thấp vì có thể xảy ra phản ứng chéo với các ký sinh trùng cùng họ giun xoắn như Trichocephalus suis.

- Chẩn đoán bằng các phương pháp ELISA, miễn dịch huỳnh quang....

- Phương pháp kiểm tra phân tìm giun trưởng thành hoặc ấu trùng ít có giá trị vì chúng có thể bị phân huỷ trước khi ra ngoài.

- Phương pháp sinh thiết cơ để kiểm tra ấu trùng phụ thuộc vào số lượng ấu trùng có trong ký chủ.

* Đối với lợn đã chết

- Cần kiểm tra giun xoắn ở thịt lợn. Để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, phải cải tiến kỹ thuật kiểm tra giun xoắn, chú ý các vấn đề sau:

+ Nghiên cứu vị trí lấy cơ để kiểm tra giun xoắn. Vì chân cơ hoành cách bị nhiễm giun nhiều nhất, nên thường lấy cơ này để kiểm tra.

+ Cải tiến trang thiết bị và kỹ thuật kiểm tra giun xoắn, chế tạo máy cắt thịt thành miếng mỏng và máy phóng ảnh để kiểm tra giun xoắn tự động hàng loạt. Chẩn đoán giun xoắn ở lợn và các súc vật khác khi giết mổ bằng các phương pháp sau:

- Phương pháp ép cơ: lấy thịt ở cơ hoành cách mô, khoảng 40 - 50 gam, dùng kéo cắt thành 20 - 24 miếng nhỏ bằng đầu tăm, dàn đều lên phiến kính kiểm tra giun xoắn, ép mạnh hai đầu phiến kính cho thịt nát ra, đặt dưới kính hiển vi có độ phóng đại 40 - 50 lần để kiểm tra ấu trùng giun xoắn.

- Phương pháp tiêu cơ: lấy 3 – 4 gam cơ hoành cách mô cho vào lọ thuỷ tinh hoặc đĩa lồng, thêm 5 - 7 ml dung dịch tiêu cơ (pepxin 1%, HCl 1% và NaCl 0,2%) để ở nhiệt độ 36 - 390C trong 6 - 12 giờ.

b. Phương pháp chẩn đoán giun xoắn ở người

Ở người, chẩn đoán căn cứ vào đặc điểm dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng. Để kết luận chính xác, phải làm các xét nghiệm chẩn đoán miễn dịch như phản ứng ngưng kết bổ thể, phản ứng miễn dịch huỳnh quang, phản ứng ELISA... Ở giai đoạn đầu của bệnh, có thể tìm thấy giun xoắn trưởng thành trong phân. Ở giai đoạn toàn phát, có thể tìm thấy ấu trùng giun xoắn trong các xét nghiệm sinh thiết.

4. Điều trị

- Ở lợn, việc điều trị bệnh giun xoắn chưa được đề cập đến, khi phát hiện lợn mắc bệnh, cần tiêu hủy, vệ sinh khử trùng tiêu độc.

- Ở người, có thể điều trị bằng các thuốc sau: Praziquantel, Mintezol (Thiabendazol), Albendazole, tuỳ mức độ nặng, nhẹ, tùy thể trạng bệnh nhân, dùng liều phù hợp theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc chỉ đích của bác sĩ. Điều trị triệu chứng: bù nước, điện giải, hạ sốt, Corticoid…

5. Phòng bệnh

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về nguyên nhân gây bệnh và tác hại của bệnh; bỏ tập quán ăn thịt sống, thịt tái, nem chua, tiết canh.

- Kiểm tra soát giết mổ và tiêu thụ thịt lợn và thịt thú vật chặt chẽ. Không cho bán thịt bị nhiễm giun xoắn ra thị trường.

- Chăn nuôi lợn an toàn sinh học, không thả rông lợn, thức ăn, nước uống cho lợn đảm bảo vệ sinh, không để phân chuột lẫn vào thức ăn và phát tán trên nền chuồng lợn.

- Báo cáo tình hình dịch tễ: thông báo khẩn lên các tuyến trên để bố trí đội phòng chống dịch xuống nơi có ca mắc bệnh để điều tra dịch tễ, tổ chức điều trị, truyền thông giáo dục dân địa phương về vai trò của việc phòng chống bệnh giun xoắn tại cộng đồng.

dtnkhanh
Theo Bản tin Khuyến nông Việt Nam số Xuân Mậu Tuất
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->