Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực ở Việt Nam trong môi trường nước ngọt. Năm 2019, diện tích nuôi là 6.675 ha, tăng 4% so với 2018 nhưng sản lượng tăng đến 10% (1,58 triệu tấn so với 1,42 triệu tấn) (VASEP, 2019). Năm 2019, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 230 cơ sở sản xuất cá tra bột, khoảng 4.000 hộ dân ương cá tra giống với diện tích 3.500 ha. Theo ước tính nhu cầu con giống cá tra đến năm 2025 của toàn vùng cần là 2,5 – 3,0 tỷ con (Bộ NN&PTNT, 2018). Các tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi cá tra xuất khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng và về lâu dài không được đánh bắt ngoài từ nhiên. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA2) đã thực hiện chọn giống cá tra nâng cao tốc độ tăng trưởng từ năm 2001 và chọn tạo được quần thể chọn giống thế hệ thứ 2 (G2) trong năm 2007-2011 và thế hệ thứ 3 (G3) trong năm 2012-2016 với hiệu quả chọn lọc đạt được cao tương ứng là 12,4% (Nguyễn Văn Sáng và ctv., 2013) và 20,4% (Nguyễn Văn Sáng và ctv., 2017). Trong năm 2010-2012, RIA2 đã tạo ra và cung cấp 101.000 cá hậu bị tăng trưởng nhanh từ quần thể chọn giống G2 đến 63 trại sản xuất giống thuộc 9 tỉnh/ thành phố ở ĐBSCL, đáp ứng 40% số trại giống và 60% nhu cầu về số lượng cá bố mẹ (Nguyễn Văn Sáng và ctv., 2012). RIA2 tiếp tục tạo ra và cung cấp cá tra hậu bị chọn giống sản xuất từ bố mẹ đã qua chọn lọc tăng trưởng nhanh G3, quy mô 15.000 cá hậu bị/năm trong 4 năm 2017-2020. Ngoài nhu cầu cá tra tăng trưởng nhanh thì các cơ sở sản xuất giống yêu cầu cá cái phải có hệ số thành thục và cho năng suất cá bột cao. Trong bài báo này, các chỉ tiêu sinh sản được trình bày thông qua thu thập số liệu từ các cơ sở đã nhận cá hậu bị sản xuất từ bố mẹ đã qua chọn lọc tăng trưởng nhanh G3 của RIA2 trong các năm 2017 và 2018 và sinh sản các năm 2019 và 2020.
Nghiên cứu thu thập số liệu nuôi vỗ và sinh sản trên 14 và 8 cơ sở sản xuất giống cá tra, với nguồn cá đã qua chọn lọc tăng trưởng nhanh thế hệ thứ 3, nhận cá trong năm 2017 và 2018, sinh sản năm 2019 và 2020 tương ứng sinh sản năm thứ nhất và năm thứ hai. Các chỉ tiêu thành thục và sinh sản được thu thập thông qua sổ ghi chép. Khối lượng, độ đạm trong thức ăn và khẩu phần ăn của cá nuôi vỗ năm thứ nhất và của cá nuôi vỗ năm thứ hai tương ứng là 4,17 kg, 32,6% và 1,33%; 4,5 kg, 31,9% và 1,17%. Tỷ lệ thụ tinh và nở tương ứng của cá sinh sản năm thứ nhất (87,8% và 89,2%) và của năm thứ hai (85,67% và 81,20%) cao hơn kết quả nghiên cứu trên quần đàn cá từ tự nhiên và đàn chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng G2 (84,08% và 83,40%) điều tra năm 2017. Hệ số thành thục tương đối của cá nuôi vỗ năm thứ nhất (12,77%) và của năm thứ hai (14,58%) tương đương với cá bố mẹ từ tự nhiên (14,07%) và cao hơn cá bố mẹ G2 (9,68%) từ điều tra năm 2017. Năng suất cá bột trên đàn cá trong nghiên cứu này cao hơn (1,26 triệu con/kg trứng) so với trên quần đàn cá từ tự nhiên điều tra năm 2011 (1,14 triệu con/kg trứng). Các chỉ tiêu thành thục và sinh sản này đáp ứng yêu cầu của người sản xuất đặc biệt là cá cái có hệ số thành thục và cho năng suất cá bột cao.
|