Nông nghiệp [ Đăng ngày (20/04/2021) ]
Phân tích chuỗi giá trị ngành hoa lan Mokara cắt cành trên địa bàn huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định chuỗi giá trị ngành hoa lan Mokara cắt cành trên địa bàn huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 98 mẫu điều tra nông hộ trồng lan Mokara, 8 mẫu điều tra thương lái thu gom sản phẩm cành hoa, 8 mẫu điều tra tiểu thương kinh doanh hoa lan Mokara ở chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ.

Thị trường hoa cắt cành Việt Nam tuy phát triển đáng kể trong những năm qua nhưng vẫn được coi là thị trường còn non trẻ. Mức tiêu thụ hoa cắt cành có liên quan mật thiết đến các dịp lễ, Tết, các ngày cúng kỵ theo phong tục, tâm linh của người Việt Nam. Việc sản xuất hoa của các nông hộ cũng thường theo lịch và tính thời vụ này để sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Thị trường hoa Việt Nam còn là một thị trường hầu như khép kín. Hầu hết hoa sản xuất ra được tiêu dùng trong nước. Hiện còn chưa có số liệu thống kê chính xác về mức tiêu dùng trên đầu người và sự phân bố thị trường hoa hay các nghiên cứu, đánh giá chi tiết về thị trường tiêu dùng hoa cắt cành trong nước, nhưng có thể xem mức tiêu dùng hoa của Việt Nam còn rất thấp và phân bố không đều. Hoa lan Mokara là sản phẩm độc đáo, phát triển tốt với điều kiện thời tiết Thành phố Hồ Chí Minh, đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao gấp 70 – 80 lần so với trồng lúa phù hợp chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, là sản phẩm đặc thù của nền nông nghiệp đô thị. Thời gian gần đây, thị trường Thái Lan có vẻ như đang giảm dần việc trồng và cung cấp lan giống Mokara vì theo doanh nghiệp ở Thái Lan, giống Mokara đang trồng tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả khu vực Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có điều kiện về thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp hơn so với trồng ở Thái Lan, nên về lâu dài Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn nên doanh nghiệp Thái Lan đã đẩy mạnh sản xuất cũng như nghiên cứu giống Dendrobium.


Nghiên cứu sử dụng phân tích thống kê mô tả (Descriptive Statistics) để đánh giá thực trạng sản xuất; phân tích SWOT để tìm ra các giải pháp nâng cao giá trị hoa lan Mokara. Kết quả nghiên cứu cho thấy, diện tích trồng lan Mokara cắt cành bình quân là 0,33 ha/hộ; lợi nhuận trung bình trên 0,33 ha là 231 triệu đồng/năm. Chuỗi giá trị có 5 chức năng cơ bản: chức năng đầu vào, sản xuất, thu gom, thương mại và tiêu dùng; có 5 chuỗi giá trị hoa lan Mokara, tương ứng với chuỗi giá trị có 4 kênh buôn bán chủ yếu. Trong đó, kênh buôn bán cho thương lái chiếm tỉ trọng cao (76,5%). Nguồn thông tin giá bán chủ yếu đến từ thương lái (73,5%). Có đến 55,1% nông hộ cho rằng thương lái quyết định giá mua; 32,7% là sự thỏa thuận giữa nông hộ và thương lái; còn lại nông hộ tự định giá chiếm 12,2%.

 Dựa trên kết quả phân tích chuỗi giá trị, tiến hành phân tích SWOT để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tác nhân tham gia chuỗi giá trị, từ đó đề xuất ra một số giải pháp nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất tương lai đối với cây hoa lan Mokara cắt cành trồng tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.


tnttrang
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển - Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - Số 5/2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->