Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (02/03/2021) ]
Phân loại thể bệnh lâm sàng bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh thể thiếu 21-hydroxylase ở bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Nghiên cứu do các tác giả Trần Huy Thịnh, Trần Vân Khánh, Ngô Thị Thu Hương, Tạ Thành Văn - Trường Đại học Y Hà Nội, tác giả Vũ Chí Dũng - Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện với mục tiêu xác định Tỷ lệ các thể bệnh và đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân tăng sản thượng thận bẩm sinh do thiếu hụt enzym 21-hydroxylase. 209 bệnh nhân được phân tích và đánh giá đặc điểm lâm sàng của tại Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Tăng sản thượng thận bẩm sinh thể thiếu 21-hydroxylase là bệnh gây nên do đột biến gen CYP21A2, dẫn đến sự mất hoặc thiếu hụt enzym 21-hydroxylase, một enzym then chốt tham gia vào quá trình tổng hợp cortisol, dẫn đến hậu quả là không tổng hợp hoặc giảm tổng hợp cortisol, tăng tổng hợp testosterone, với hình ảnh lâm sàng suy thượng thận cấp, nam hóa đơn thuần ở trẻ gái và dậy thì sớm ở trẻ trai. Các nghiên cứu trên thế giới đã ước tính tần suất mắc bệnh từ khoảng 1/10.000 đến 1/20.000 trẻ sinh ra. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào hoạt độ enzyme 21-hydroxylase còn lại của bệnh nhân. Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng và mức độ thiếu hụt enzyme mà chia ra thành 3 thể chính của tăng sản thượng thận bẩm sinh, gồm: thể mất muối, thể nam hóa đơn thuần và thể không cổ điển. Các nghiên cứu trên quần thể người châu Á đã chỉ ra thể mất muối chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các ca mắc tăng sản thượng thận bẩm sinh với 75%, thể nam hóa đơn thuần chiếm tỷ lệ thấp hơn (20-25%) và thể không cổ điển hiếm gặp hơn (<5%).

Đối với bệnh nhân thể mất muối, thiếu hụt hoàn toàn hoạt độ enzym gây nguy hiểm đến tính mạng và tử vong do mất nước, hạ natri máu (cơn suy thượng thận cấp), và các trẻ gái mắc thể nặng thiếu 21-hydroxylase có biểu hiện nam hoá bộ phận sinh dục ngoài từ thời kỳ bào thai và được phát hiện ngay sau sinh. Thể nam hóa đơn thuần có các biểu hiện lâm sàng kín đáo hơn, do vậy khó phát hiện tại thời kỳ sơ sinh. Bệnh nhân nữ thể nam hóa đơn thuần có các bất thường về bộ phân sinh dục ngoài ở các mức độ khác nhau; bệnh ở trẻ nam thường có biểu hiện dậy thì sớm ngoại biên từ thời điểm 2-4 tuổi. Bệnh nhân thể cổ điển thường không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt mà chỉ biểu hiện bất thường về các đặc điểm giới tính.

Tiêu chuẩn để phân loại kiểu hình dựa trên các triệu chứng lâm sàng: nam hóa bộ phận sinh dục ngoài ở trẻ gái được đánh giá theo các mức độ của Prader để chẩn đoán thể cổ điển (bao gồm cả ở thể mất muối hoặc nam hóa đơn thuần). Ở thể mất muối, các bệnh nhân có các biểu hiện sụt cân hoặc chậm tăng cân sau đẻ, nôn, dấu hiệu mất nước hoặc sốc giảm thể tích, Natri huyết tương hạ <130 mmol/l hoặc 130-135 mmol/l, kết hợp với K >5,5 mmol/l. Thể nam hóa đơn thuần có biểu hiện ở nữ là mơ hồ giới tính khi sinh và ở nam là dậy thì sớm giả và tăng phát triển chiều cao, tuổi xương. Việc phân loại thể bệnh và theo dõi đặc điểm lâm sàng ở bệnh nhân tăng sản thượng thận bẩm sinh có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Do vậy, chúng tôi thực hiện đề tài này với mục tiêu: nghiên cứu tỷ lệ các thể bệnh và đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân tăng sản thượng thận bẩm sinh do thiếu hụt enzym 21-hydroxylase.

Đối tượng nghiên cứu là 209  bệnh  nhân  tăng  sản  thượng  thận  bẩm  sinh  thiếu enzym 21-hydroxylase được chẩn đoán và điều trị tại Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2014 đến 2018.

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy, đã phát hiện được 77% bệnh nhân thể mất muối, 21% thể nam hóa đơn thuần chiếm và 2% mắc thể không cổ điển. Bệnh nhân thể mất muối và thể không cổ điển được chẩn đoán sớm hơn (32 ngày và 18,5 ngày) so với bệnh nhân thể nam hóa đơn thuần (1590 ngày) (p<0.001). Thể bệnh mất muối có Tỷ lệ nam/nữ gần tương đương nhau (nam 46,6% và nữ 54,4%). Thể nam hóa đơn thuần có Tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn (81,8% nữ và 18,2% nam). Mơ hồ giới tính ở bệnh nhân nữ ở cả ba thể mất muối, nam hóa đơn thuần và không cổ điển là tương đương nhau ( lần lượt 96%, 97%, và 100%). Cơn suy thượng thận cấp chỉ xuất hiện ở bệnh nhân thể mất muối với Tỷ lệ ở nam là 91,8%, ở nữ là 78,6%.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Tập 62 - Số 2 - Tháng 2/2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->