Trên thế giới, cứ khoảng 1.000 người thì có 1 người bị nhuyễn xương. Đây là tình trạng ốm yếu của bộ xương, có ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và công việc. Điều đáng quan tâm ở đây là, căn bệnh này một phần do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Theo ước tính, trên thế giới, cứ khoảng 1.000 người thì có 1 người bị nhuyễn xương (Osteomalacia). Đây là căn bệnh đặc trưng bởi sự mềm xương do bất thường chuyển hoá xương. Nhuyễn xương khác với tình trạng phổ biến loãng xương. Nguyên nhân gây nhuyễn xương là do sự thiếu hụt trầm trọng vitamin D, gây giảm canxi trong chất nền xương. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, sự mềm xương trong bệnh nhuyễn xương ảnh hưởng đến quá trình phát triển, khiến xương bị cong, đặc biệt nặng hơn ở trẻ thừa cân, béo phì. Nhuyễn xương ở người lớn tuổi có thể dẫn đến gãy xương. Hình 1 là hình ảnh hệ xương khỏe mạnh và hệ xương bị nhuyễn xương hoặc còi xương.
Nhuyễn xương là kết quả do khiếm khuyết từ quá trình hình thành và phát triển xương. Trong quá trình này, cơ thể người sử dụng khoáng chất canxi và phosphat để xây dựng nên bộ xương khỏe mạnh. Thiếu hụt vitamin D dẫn đến bất thường hấp thu canxi tại ruột, giảm mức canxi ion hoá và tổng mức canxi huyết thanh. Hạ canxi gây ra cường cận giáp thứ phát, là một phản ứng cân bằng nội môi để duy trì mức canxi máu mà đáng lẽ được sử dụng cho sự phát triển xương.
Các triệu chứng của nhuyễn xương ít nhiều có liên quan đến các nguyên nhân như: đau cơ và khớp (đặc biệt là cột sống, xương chậu, xương chân), yếu cơ, đi lại khó khăn, dáng đi lạch bạch, hạ canxi máu (khi thăm khám nhận thấy biểu hiện Chovstek - một dấu hiệu lâm sàng do thần kinh bị kích thích), chèn ép đốt sống và thấp còi, xương chậu dẹt, yếu, xương mềm và dễ gãy, hoặc bị cong.
Ở người lớn, nhuyễn xương thường tiến triển âm thầm, gây đau nhức ở vùng cột sống (thường là cột sống thắt lưng) và bắp đùi trước khi lan sang cánh tay và xương sườn. Cơn đau thường đối xứng, không lộ rõ và gắn liền với cảm giác nhạy đau ở các xương liên quan, yếu gốc chi (đầu gần cơ), khó leo trèo, khó khăn khi lên cầu thang và khó đứng dậy khi ngồi xổm.
Mặc dù là nguồn cung cấp vitamin D tốt, nhưng ánh sáng mặt trời và ánh sáng nhân tạo cũng có thể là tác nhân tiêu cực cho cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), tia UV từ ánh nắng mặt trời và một số nguồn nhân tạo như đèn cực tím và giường tắm nắng (tanning bed) là nguồn gây ung thư. Vì thế, Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AODD) khuyên rằng, nên bổ sung vitamin D từ chế độ dinh dưỡng lành mạnh, gồm: thực phẩm, rau quả giàu vitamin D (sữa, nước cam, ngũ cốc, dầu gan cá và các loại cá béo như: cá hồi, cá trích, cá ngừ…).
Liên quan đến lượng canxi đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh, Viện Dinh dưỡng quốc gia đề nghị, lượng vitamin D cung cấp cho cơ thể với liều lượng cụ thể hàng ngày là: trẻ em mới sinh đến 9 tuổi và thiếu niên từ 10-18 tuổi: 5 mcg/ngày; người lớn (từ 19-50 tuổi: 5 mcg/ngày; từ 51-60 tuổi: 10 mcg/ngày; >60 tuổi: 15 mcg/ngày); phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú: 5 mcg/ngày. |