Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (29/03/2020) ]
Ảnh hưởng của bón phân hữu cơ và biochar đến đặc tính nước trong đất và năng suất bắp lai trồng trên đất phù sa ở Vĩnh Long và An Giang
Thí nghiệm được tiến hành trên hai vùng đất phù sa không bồi canh tác bắp lai là Tam Bình - Vĩnh Long và An Phú - An Giang nhằm đánh giá ảnh hưởng của phân bón hữu cơ, than sinh học (biochar) đến đặc tính nước trong đất, sự sinh trưởng và năng suất bắp lai.

Ảnh minh họa

Cây bắp là cây trồng cạn rất nhạy cảm với sự thiếu nước, tuy nhiên mức độ thiệt hại về năng suất sẽ phụ thuộc vào giai đoạn mà cây bị thiếu nước (Raemaekers, 2001). Các nghiên cứu gần đây của Arora (2004) cho thấy một khi được cung cấp nước đầy đủ, năng suất bắp trung bình có thể đạt đến 4.000 kg/ha. Ngược lại, nếu cây bắp không được cung cấp đủ nước thì năng suất có thể giảm xuống còn 1.400 kg/ha hoặc thấp hơn. Theo Khalili và cộng tác viên (2013), khả năng giữ nước của đất đóng một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của cây bắp thông qua tác động đến các quá trình sinh lý và sinh hóa diễn ra trong cây trồng, là một trong các chỉ số dùng để đánh giá chất lượng đất và sức sản xuất của đất. Khả năng giữ và cung cấp nước của một loại đất tùy thuộc vào các đặc tính khác nhau của đất như thành phần cơ giới, độ xốp và cấu trúc của đất, hàm lượng chất hữu cơ và biochar (Marcus và cộng tác viên, 2014; Minasny and Mcbratney, 2018). Theo Atkinson và cộng tác viên (2010), biochar rất xốp, khi được bón cho đất có thể giúp cải thiện một số đặc tính vật lý đất như tổng độ xốp, sự phân bố cấp hạt, dung trọng đất, ẩm độ đất, nước hữu dụng cho cây trồng, khả năng giữ nước và thoát nước của đất. Bryant (2015) kết luận rằng cứ 1% chất hữu cơ có trong đất giúp đất giữ được khoảng 20.000 lít nước/ha. Bổ sung thêm phân hữu cơ hoặc biochar giúp tăng lượng nước trong đất do các vật liệu phân hữu cơ, biochar có khả năng giữ được nhiều nước hơn từ mưa hoặc tưới trong điều kiện mưa ít hoặc khô hạn, giúp giảm chi phí tưới nước, ổn định năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, cung cấp biochar và phân hữu cơ vào đất còn được xem như là một chiến lược duy trì độ phì nhiêu đất. Do đó, nghiên cứu được Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm mục đích đánh giả hiệu quả của việc cung cấp biochar và phân hữu cơ đến đặc tính nước của đất và năng suất bắp lai được thực hiện làm cơ sở cho việc khuyến cáo sử dụng phân bón hữu cơ và biochar trong tương lai.

Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD), với 4 lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy cung cấp 10 tấn biochar/ha, 5 tấn phân hữu cơ/ha và bón 5 tấn phân hữu cơ kết hợp 10 tấn biochar cho đất giúp gia tăng độ xốp trong đất, lượng nước thủy dung ngoài đồng, lượng nước điểm héo và lượng nước hữu dụng cho cây trồng cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức đối chứng không bón phân hữu cơ và biochar. Bón 5 tấn phân hữu cơ kết hợp với 10 tấn biochar/ha cho năng suất bắp cao nhất ở cả 2 điểm nghiên cứu, cụ thể là 12,29 tấn hạt/ha ở Tam Bình, Vĩnh Long và 8,63 tấn hạt/ha ở An Phú, An Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc bón phân hữu cơ và biochar trên đất Tam Bình - Vĩnh Long cải thiện đặc tính đất tốt hơn so với đất An Phú - An Giang.

NTD
Theo Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 1/2019
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->