Đồ họa mô phỏng robot hoạt động trên sao Hỏa. Ảnh: Examiner.
Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã quyết định lùi vụ phóng tới tháng 8 hoặc tháng 9/2022, muộn hơn hai năm so với dự kiến. Các chuyên gia của dự án cho biết cần thực hiện thêm các thử nghiệm để tất cả các thành phần của tàu vũ trụ hoạt động chính xác trong chuyến đi tới sao Hỏa.
"Đó là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết", Dmitry Rogozin, người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) nói về quyết định dời lịch phóng. Tàu vũ trụ không người lái ExoMars, có nhiệm vụ đưa robot lên Hành tinh Đỏ để tìm kiếm dấu hiệu sự sống, vốn được lên kế hoạch vào cuối năm nay sau nhiều lần trì hoãn.
"Cả hai bên đều muốn sứ mệnh thành công 100%", Tổng giám đốc ESA Jan Worner nhấn mạnh. "Chúng tôi không cho phép có bất cứ sai sót nào. Các hoạt động thử nghiệm sẽ đảm bảo an toàn cho vụ phóng và qua đó thu được kết quả khoa học tốt nhất".
Bên cạnh lý do kỹ thuật, việc trì hoãn cũng một phần bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới. Rogozin cho biết lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia khiến các nhóm nghiên cứu gặp khó khăn trong việc hợp tác.
Robot được phát triển bởi các chuyên gia từ ESA. Ảnh: Spaceflight Now.
Chương trình không gian chung ExoMars được xem như một biểu tượng quan trọng về sự hợp tác giữa Nga và châu Âu trong bối cảnh căng thẳng với Ukraine và Syria. Roscosmos sẽ cung cấp bệ phóng, module gốc và bãi đáp cho tàu vũ trụ ExoMars, trong khi ESA chịu trách nhiệm phát triển và vận hành robot Rosalind Franklin (được đặt tên theo một nhà khoa học Anh).
Robot sẽ được điều khiển từ một trung tâm hàng không vũ trụ ở Torino, miền bắc Italy, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona ở châu Âu. Rosalind Franklin là thiết bị đầu tiên có khả năng tìm kiếm dấu hiệu sự sống ở độ sâu hai mét dưới bề mặt sao Hỏa. |