Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (01/03/2020) ]
Chọn giống lúa mùa có khả năng chịu mặn từ tập đoàn giống lúa mùa địa phương vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do tác giả Quan Thị Ái Liên – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Độ mặn là một trong những trở ngại chính để tăng sản lượng gạo (Oryza sativa L.) trên thế giới  (Hosseini et al., 2012, Abbas et al., 2013, Ali et al., 2014). Sự tích tụ muối trong đất ảnh hưởng đến sinh lý học, hình thái học và sinh hóa của cây lúa (Sankar et al., 2011). Năng suất lúa giảm 40% trong điều kiện đất có ECe thấp (2-6 dSm-1), 75% ở ECe trung bình (6-10 dSm-1) và 100% ở ECe cao (>10 dSm-1) (Zeng và Shannon, 2000). Sankar et al., (2011) cho biết độ mẫn cảm của cây lúa với ECe dao động từ 0 dSm-1 đến 8 dSm-1. Lúa được phân loại là nhạy cảm với mặn, nhưng lua là một trong các loại cây trồng được đề nghị trồng trong đất mặn vì lúa có khả năng trồng trong đất ngập nước (Sankar et al.,2011; Aref và Rad, 2012).

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng lúa chịu mặn được trong quá trình nảy mầm, trở nên rất mẫn cảm trong giai đoạn cây con sớm (giai đoạn 2-3 lá), tăng khả năng chống chịu trong giai đoạn tăng trưởng thực vật, trở nên nhạy cảm trong quá trình thụ phấn và thụ tinh và sau đó ngày càng trở nên dễ thích nghi hơn khi trưởng thành (Pearson et al.,1966). Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng giai đoạn ra hoa, lúa không nhạy cảm với mặn (Kaddah et al.,1975). Canh tác lúa ở các vùng ven biển, mặn có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của cây lúa. Việc xác định phản ứng với độ mặn của cây lúa trong suốt giai đoạn sinh trưởng là điều rất quan trọng.

Đo đó, để biết phản ứng của cây lúa với mặn như một tổng thể, thì phải quan sát tất cả các giai đoạn khác nhau của sự phát triển của nó, đó là lúc cây con sớm, giai đoạn sinh dưỡng và sinh sản. Nghiên cứu này nhằm đánh giá phản ứng cảu một số giống lúa mùa ở các nồng độ NaCl khác nhau thông qua việc quan sát các đặc điểm hình thái trong đất mặn. Sự khác biệt trong phản ứng sẽ là chỉ số hữu ích khi đánh giá khả năng chịu mặn cảu các giống lúa mùa được thực hiện trong đất mặn dưới điều kiện nhà lưới để chọn các giống lúa mùa có khả năng chịu mặn ≥9 dSm­-1 qua các giai đoạn sinh trưởng.

Thí nghiệm đánh giá khả năng chịu mặn giai đoạn mạ trong dung dịch dinh dưỡng được tiến hành với 3 nồng độ EC 9,38, 12,50, 15,63 dS/m với 17 giống lúa mùa (Nàng Chá Rằn, Huyết Rồng, Nàng Chá, Nếp Than, Nàng Quớt, Nàng Thơm, Nhỏ Thơm, Thằng Còn, Trắng Lùn, Lem bụi, Giẻ hành, Nàng tích, Mashuri, Cẩn Lùn, Nàng thơm chợ đào, Đốc phụng, IR28); kết quả chọn được 5 giống lúa mùa có khả năng chịu mặn giai đoạn mạ (cấp 5) ở EC là 15,63 dS/m. Tiếp tục thí nghiệm đánh giá khả năng chịu mặn ở các nồng độ EC (0, 9,38, 12,50, 15,63 dS/m) ở giai đoạn tăng trưởng và sinh sản của 07 giống lúa (một giống chuẩn kháng Đốc Phụng, một giống chuẩn nhiễm IR28 và năm giống lúa được chọn ở thí nghiệm đánh giá khả năng chịu mặn giai đoạn mạ).

Kết quả cho thấy độ mặn đã ức chế sự tăng trưởng của 6 giống lúa từ giai đoạn sinh dưỡng đến sinh sản như giảm chiều cao cây, số bông/bụi, chiều dài bông, khối lượng 1000 hạt và năng suất hạt. Việc giảm năng suất hạt tương đối ở mức EC (9,38 dS/m) của giống chống chịu là ít hơn 60%, trong khi đó là 100% đối với giống nhiễm. Chọn được các giống lúa Nàng Chá Rằn, Nếp Than, Trằng Lùn, Giẻ Hành, Nàng Tích và Đốc Phụng có khả năng chịu mặn giai đoạn mạ, tăng trưởng, sinh sản ở mức EC≤9,38 dS/m.

Thúy Hằng
Theo Tạp chí NN&PTNT - Kỳ 2- Tháng 6/2019
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->