Ngày nay, canh tác lúa gặp nhiều khó khăn do tình hình biến đổi khi hậu như sự nóng lên của toàn cầu, nhiệt độ tăng cao, mưa gió thất thường, đặc biệt là hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra ngày càng gay gắt tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Do đó, ngoài việc lựa chọn giống lúa chống chịu sâu bệnh, chịu phèn, hạn mặn… để thích nghi với điều kiện biến đổi khi hậu hiện nay thì các vấn đề kỹ thuật canh tác cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng lúa của vùng. Trong đó, xác định mật độ gieo trồng và lượng phân bón hợp lý trong canh tác lua cho các vùng sinh thái tại ĐBSCL nhằm mở rộng vùng sản xuất các giống lúa mới là rất cần thiết.
Giống lúa OM11735 được tuyển chọn tạo từ dòng lúa IR73382-80-9-14-1-2 từ tổ hợp lai IR64/Oryza rufipogon Viện Lúa ĐBSCL nhập nội từ Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI). Giống lúa OM11735 có thời gian sinh trưởng 90 – 95 ngày với lúa sạ, giống chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, rầy nâu và sâu đục thân. Giống thích hợp với cơ cấu canh tác 2-3 vụ lúa/ năm cảu khu vực ĐBSCL và thích nghi tốt với vùng đất bị nhiễm phèn, mặn khu vực ven biển của vùng này. Giống có tiềm năng năng suất cao (5-8 tấn/ha), phẩm chất gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cứng cây, hình dáng đẹp. Để khai thác tiềm năng năng suất của giống, cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật thâm canh tại nhiều vùng sinh thái như phù sa, phèn mặn… của vùng ĐBSCL. Từ yêu cầu thực tiễn, nghiên cứu đã tiến hành thực hiện xác định mật độ cấy và lượng phân đạm phù hợp với giống OM8959 trong điều kiện vụ hè thu 2017 và đông xuân 2017-2018 tại ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Thí nghiệm xác định ảnh hưởng của mật độ cấy và lượng phân đạm đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của giống lúa OM11735 được thực hiện vụ hè thu 2017 và đông xuân 2017 – 2018 tại ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu lô phụ (Split - plot), lặp lại 3 lần. Lô chính gồm 5 mức phân đạm (kg N/ha) thay đổi từ 60, 80, 100, 120 và đối chứng địa phương 110 kg N/ha (ĐCĐP). Lô phụ gồm 5 mật độ cấy: 20 x 20 cm (26 bụi/m2), 15 x 20 cm (33 bụi/m2), 15 x 15 cm (44 bụi/m2), 20 x 10 cm (51 bụi/m2), 15 x 10 cm (67 bụi/m2 . Kết quả thí nghiệm đã xác định ở vụ hè thu 2017 cấy mật độ 15 x 20 cm (33 bụi/m2), bón phân theo liều lượng 80 N-50 P2O5- 40 K2O kg/ha, và ở vụ đông xuân 2017-2018 cấy với mật độ 15 x 15 cm (44 bụi/m2) và bón phân theo liều lượng 100 N-50 P2O5- 40 K2O kg/ha, cho số bông/m2 , số hạt chắc trên bông và năng suất trung bình cao nhất (5,66 tấn/ha vụ hè thu và 4,58 tấn/ha vụ đông xuân). |