Sống xanh [ Đăng ngày (26/03/2018) ]
Mỗi hố rác một cây xanh
Đó là một trong những mô hình mà Sở TN&MT Tiền Giang tổ chức thực hiện tại các địa phương để giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nông thôn.

Ảnh: Theo tiengiang.gov.vn

Mô hình “một hố rác, một cây xanh” là kinh nghiệm mà Tiền Giang tiếp thu từ một số tỉnh, thành phố đã triển khai có hiệu quả thời gian qua như Quảng Bình, Đà Nẵng,…

Đến một số địa bàn xã thuộc huyện Tân Phước bây giờ, không còn hình ảnh xả rác tùy tiện như trước đây. Thay vào đó, người dân đã hình thành thói quen gom rác và phân loại rác thải. Các loại rác thải được phân loại và xử lý đúng nơi quy định, riêng rác thải hữu cơ sẽ được gom, ủ trong các hố, sau đó sử dụng để bón cho cây trồng, vừa giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc cây trồng, vừa giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý. Hoặc từ những hố gom rác hữu cơ đó, người dân ở đây sẽ trồng vào đó một cây xanh…

Hiệu quả rõ nét nhất của mô hình này là người dân không chỉ thay đổi được thói quen cố hữu bao lâu nay là xả rác bừa bãi, mà còn hào hứng với cách thu gom và phân loại rác mới. Bởi hơn ai hết, họ cảm nhận được môi trường sống được cải thiện đáng kể khi rác thải được xử lý hiệu quả.

 Điển hình thực hiện tốt mô hình này là xã Tân Lập. Đến nay, mô hình “Một hố rác một cây xanh” đã được nhân rộng ra các ấp trong xã, với 12 tổ, 277 hộ tham gia.

 “Đặc điểm chung ở vùng nông thôn khác là giao thông thường nhỏ hẹp, xe rác không vào tận ngõ, hộ gia đình để gom rác. Vì vậy, triển khai các mô hình “một hố rác một cây xanh” là vô cùng hữu ích với môi trường, các vùng nông thôn nên áp dụng”, một vị lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Lập chia sẻ.

Ngoài mô hình “Một hố rác một cây xanh”, xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) còn triển khai mô hình “Thùng rác compost”. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho hay: “Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, hướng dẫn và vận động chị em đăng ký thực hiện, trong đó, các Chi hội trưởng phụ nữ đã đi đầu làm điểm”. 

Cho đến thời điểm này, việc phân loại rác để xử lý đối với nhiều gia đình ở xã Tân Hòa Thành đã trở thành công việc thường xuyên hằng ngày. Bởi đối với họ, rác không còn là thứ bỏ đi mà sau khi được ủ hoai mục sẽ mang lại nguồn phân sạch, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng xung quanh nhà.

Thành công của các mô hình xử lý rác thải trên tuy chỉ là bước đầu trong việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn trên con đường tiến tới xử lý rác theo công nghệ hiện đại, nhưng là bước tiến lớn về nhận thức trong việc thu gom rác thải nông thôn.

Các phương án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã và đang áp dụng là hình ảnh trực quan sinh động nhằm nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nói chung và người dân nông thôn nói riêng.

Khánh Anh
Theo www.monre.gov.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Tập tục tu báo hiếu học làm người vùng Bảy Núi
Mùa hè cũng là lúc cao điểm số đông thanh niên Khmer (đặc biệt là vùng Bảy Núi, An Giang) bắt đầu vào mùa tu báo hiếu. Đây là một tập tục truyền thống lâu đời mang ý nghĩa báo hiếu ông bà, cha mẹ theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer của đồng bào Khmer.




Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->