Xã hội-Nhân văn
[ Đăng ngày (16/07/2017) ]
|
Mối quan hệ giữa năng lực nhận thức và thành tích học tập ở nhóm học sinh rối loạn tăng động giảm chú ý
|
|
Nghiên cứu do tác giả Trần Thành Nam thuộc Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nhằm đánh giá mối liên hệ giữa năng lực nhận thức (bằng trắc nghiệm WISC-IV phiên bản Việt) và thành tích học tập ở học sinh với các biểu hiện tăng động giảm chú ý (ADHD).
|
Kết quả nghiên cứu đối với 42 học sinh khẳng định có sự tương quan giữa năng lực nhận thức và thành tích học tập. Hệ số Tổng điểm trí tuệ (FSIQ) có tương quan mạnh nhất và là yếu tố dự báo tốt nhất về thành tích học tập các môn Văn và Toán. Trong bốn hệ số trí tuệ thành phần, hệ số Tư duy ngôn ngữ (VCI) dự báo thành tích học tập môn Văn của học sinh là tốt nhất. Học sinh có rối loạn học tập thường đạt điểm thấp trong các tiểu trắc nghiệm Nhớ dãy số và chữ cái theo trật tự cũng như Mã hóa. Một số hệ số trí tuệ dự báo thành tích học tập môn Văn và môn Toán cũng được chỉ ra và bàn luận.
Bộ trắc nghiệm đánh giá trí tuệ trẻ em Wechsler phiên bản thứ 4 (xuất bản năm 2003) là một bộ trắc nghiệm đánh giá năng lực trí tuệ được sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Bộ trắc nghiệm này được đánh giá cao vì tính chuẩn hóa, quy trình thực hiện chặt chẽ cũng như mang lại những kết luận dự báo hữu ích. Cho đến thời điểm hiện tại, bộ trắc nghiệm này đã được thích nghi để sử dụng cho hơn 70 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, bộ trắc nghiệm này đã được Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thích nghi từ năm 2010 (gọi là bộ trắc nghiệm WISC-IVVN). |
Dnttrang
Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam, Tháng 6/2017 |