Ảnh minh họa
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phan Anh Tú (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ) và Trần Quốc Huy (Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ) thực hiện nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của 166 sinh viên trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ.
Bằng phương pháp mở rộng lý thuyết hành vi kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991) kết hợp với đặc điểm nhân khẩu học, tính cách, và giáo dục khởi nghiệp kinh doanh, kết quả nghiên cứu nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy bằng phương pháp bình phương bé nhất (OLS) cho thấy có 7 nhóm nhân tố chính ảnh hưởng đến hành vi khởi nghiệp của sinh viên bao gồm đặc điểm tính cách, thái độ cá nhân, nhận thức và thái độ, giáo dục khởi nghiệp, nhận thức điều khiển hành vi, quy chuẩn và thái độ, quy chuẩn chủ quan.
Kết quả của nghiên cứu khám phá với cỡ mẫu 166 quan sát đã xác định được 7 nhân tố chính có tác động nhân quả đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Đó là, đặc điểm tính cách, thái độ cá nhân, nhận thức và thái độ, giáo dục khởi nghiệp, nhận thức điều khiển hành vi, quy chuẩn và thái độ, quy chuẩn chủ quan, trong khi kiểm soát các biến gồm giới tính, tuổi, gia đình kinh doanh và kinh nghiệm làm việc trước.
Mô hình nghiên cứu đề xuất giải thích được 43,2% ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ là do ảnh hưởng của các nhân tố trên. Điểm nổi bật về bàn luận trong nghiên cứu này đó là mặc dù theo thống kê cho thấy số lượng sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ tiếp xúc với khóa học khởi nghiệp tương đối khiêm tốn (12%) nhưng hầu hết đều có đánh giá rất khả quan về mức độ trang bị kiến thức lẫn kỹ năng, khơi dậy niềm đam mê trở thành doanh nhân. Giáo dục khởi nghiệp kinh doanh được phát hiện là yếu tố tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Điều này là do sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nhiều doanh nhân thành công và được lắng nghe chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tế từ họ. Bản thân các khóa học này còn cung cấp kiến thức lập kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp non trẻ và xây dựng niềm tin khởi nghiệp cho sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp kinh doanh. Do vậy, gián tiếp hàm ý của nghiên cứu này còn kêu gọi các nhà làm chính sách, nhà giáo dục đưa các khóa học về đào tạo khởi nghiệp vào chương trình đào tạo nhằm chuẩn bị hành trang khởi nghiệp cho sinh viên lập thân và quyết tâm làm giàu cho đất nước. Tất nhiên ý chí, sự tự tin, kiến thức, hoài bão, đam mê, ước muốn thay đổi, tự thân, làm chủ cuộc sống là quan trọng dù cho thiếu sự hỗ trợ về tài chính và các rào cản khác như từ phía gia đình, bạn bè và xã hội. Nghiên cứu này cũng có các hạn chế nhất định.
|