Xã hội-Nhân văn
[ Đăng ngày (03/06/2017) ]
|
Tác động của chất lượng dịch vụ đào tạo đại học đến sự hài lòng của người học khối ngành kinh tế kinh doanh tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam
|
|
Nghiên cứu do tác giả Hoàng Thị Thanh Chung (trường Đại học Lạc Hồng) thực hiện nhằm phân tích tác động của chất lượng dịch vụ đào tạo đại học khối ngành kinh tế kinh doanh đến sự hài lòng của người học tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
|
Ảnh minh họa
Nghiên cứu này được thực hiện qua hai giai đoạn: Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện với phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phương pháp nghiên cứu tài liệu, chuyên gia nhằm tổng quan, củng cố và xây dựng mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu; Nghiên cứu chính thức với phương pháp định lượng thông qua khảo sát trực tiếp 280 sinh viên từ các trường đại học tư thực ở Đồng Nai và TP. HCM trong khoảng thời gian từ tháng 8/2016 ở những thời điểm khác nhau theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thông qua mô hình kinh tế lượng gồm phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy bội với một mẫu gồm 280 sinh viên, nghiên cứu đã kiểm định thành công mô hình lý thuyết SERPERF xây dựng bởi Cronin và Taylor (1992) vào trường hợp chất lượng giáo dục khối ngành kinh tế kinh doanh tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam. Kết quả cho thấy ba thành phần của chất lượng dịch vụ đại học gồm (i) đội ngũ giảng viên và độ tin cậy của nhà trường, (ii) phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu học tập và (iii) cơ sở hạ tầng có tác động đến sự hài lòng của người học. Kết quả nghiên cứu này cùng với các nghiên cứu trước như Harvey (1995), Hill (1995), Hoàng Thị Phương Thảo và Hoàng Trọng (2006), Clewes (2003) góp phần làm rõ thêm khái niệm chất lượng dịch vụ giáo dục đại học ở Việt Nam cũng như trên thế giới theo cách tiếp cận của khách hàng trực tiếp.
Những yếu tố được khám phá và kiểm định trong nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng lý luận và thực tiễn quan trọng cho các bên liên quan nhất là các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập tiếp tục đầu tư, nâng cao nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người học, xã hội nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ như hiện nay.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học Yersin, số 01 năm 2016. |
Theo Tạp chí Khoa học Yersin, số 01 năm 2016 (pcmy)
|