Văn hóa doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của các doanh nghiệp. Nếu nói văn hoá là những hệ thống chuẩn mực và giá trị mà mọi người trong một cộng đồng người được chia sẻ thực hiện, thì văn hóa doanh nghiệp cũng là những chuẩn mực hay những giá trị mà những người trong công ty cùng được chia sẻ và tuân thủ theo. Tuy vậy, một vấn đề phải được hiểu rằng, văn hóa doanh nghiệp không có nghĩa rằng nó phải bền vững hay bất di bất dịch mà nó cởi mở, luôn luôn được lĩnh hội, trau dồi và đôi khi bị mất đi, tức là có một sự giao thoa về văn hoá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngày này chưa chú trọng đến việc củng cố và xây dựng bản sắc văn hóa riêng trong doanh nghiệp. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ (Eximbank Cần Thơ) là một trong những Ngân hàng TMCP đầu tiên tại thành phố Cần Thơ. Thành lập kể từ năm 1995, trải qua quá trình hoạt động 20 năm, Eximbank Cần Thơ đã gặt hái được nhiều thành tựu về kinh tế nhờ vào sức mạnh tập thể của toàn bộ cán bộ, công nhân viên chi nhánh.Tuy vậy, công tác quản lý nhân sự còn chưa thống nhất, môi trường văn hóa tổ chức chưa tạo điều kiện tối ưu để nhân viên phát huy tối đa sự sáng tạo, nhiệt tình trong công việc, sự gắn bó, đoàn kết và trung thành với tổ chức còn nhiều khác biệt giữa các phòng ban tại Chi nhánh. Do đó, việc nhận dạng các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ là hết sức cần thiết.
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu nhận dạng các yếu tố hình thành văn hóa doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích số liệu sau: thống kê mô tả, hệ số tin cậy Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định. Kết quả từ phân tích nhân tố khẳng định cho thấy thang đo văn hóa doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ được cấu thành bởi các yếu tố: học tập, quan tâm khách hàng, sự đồng thuận, khả năng thích ứng và định hướng chiến lược.
Thông qua kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:
Củng cố văn hóa doanh nghiệp thông qua nâng cao kiến thức chuyên môn. Kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và kỹ năng mềm là những yếu tố quyết định đến hiệu quả công việc của mỗi cá nhân. Việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ những kiến thức và kỹ năng giữa các nhân viên, đặc biệt là giữa các cấp quản lý và nhân viên sẽ giúp mỗi nhân viên nâng cao trình độ cá nhân.
Hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp thông qua việc quan tâm đến khách hàng. Lắng nghe phản hồi từ phía khách hàng, biết rõ họ sẽ phản ứng như thế nào luôn là công cụ hữu hiệu để giúp hiện thực hóa các chính sách kinh doanh của đơn vị. Việc lắng nghe khách hàng còn đem lại cho ngân hàng một lợi ích khác là giải quyết những phàn nàn của khách hàng một cách sáng tạo, làm phát sinh các ý tưởng mới về sản phẩm và dịch vụ.
Phát triển văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự đồng thuận. Xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cấp dưới và những người đồng cấp. Để làm được điều này, mỗi thành viên đều phải nỗ lực hòa nhập vào tổ chức. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngân hàng cũng cần tạo ra những cơ hội để mọi người từ các phòng ban có thể tiếp xúc với nhau thông qua các lễ kỉ niệm thành lập, các hoạt động ngoại khóa,… để gắn kết mọi người lại với nhau.
Phát triển văn hóa doanh nghiệp dựa trên định hướng chiến lược. Ngân hàng cần quy định rõ ràng, chi tiết và cụ thể từng nhiệm vụ của từng vị trí tại các phòng ban, đồng thời bổ sung quy trình liên kết giữa nghiệp vụ tại phòng ban này và phòng ban khác, tránh trường hợp đùn đẩy hoặc không hỗ trợ các phòng ban khác trong việc thực hiện nhiệm vụ chung.
|