Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (14/10/2016) ]
Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ sản xuất lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn ở thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu do ThS Nguyễn Quốc Nghi – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ sản xuất lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở thành phố Cần Thơ.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nông hộ sản xuất lúa trong mô hình CĐML tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức chiếm khá cao (68,75%), trong khi tỷ lệ nông hộ tiếp cận với ngồn tín dụng bán chính thức (17,5%) và phi chính thức (27,08%) cũng không ít. Khi tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức, phần lớn nông hộ chọn ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngân hàng Chính sách Xã hội để vay vốn. Đối với nguồn tín dụng bán chính thức, nông hộ tiếp cận với các nguồn như Hội nông dân và Hội phụ nữ. Còn lại sử dụng tín dụng thương mại để tăng nguồn vốn đầu tư sản xuất hay vay mượn nguồn vốn từ người thân, bạn bè hay từ người cho vay tư nhân tại địa phương.

Các nông hộ sản xuất lúa trong mô hình CĐML vay vốn từ nguồn tín dụng chính thức với số tiền trung bình là 28,75 triệu đồng, thời hạn vay trung bình là 7,5 tháng với lãi suất/năm là 12,4%. Trong khi số tiền trung bình mà nông hộ tiếp cận từ nguồn tín dụng bán chính thức là 5,43 triệu đồng với mức lãi suất tương ứng là 10,4%/năm trong thời hạn vay trung bình là 2,4 tháng. Bên cạnh đó, một số nông hộ đã tiếp cận nguồn tín dụng phi chính thức với số tiền vay trung bình là 8,24 triệu đồng với lãi suất là 50,5%/năm trong thời gian vay là 1,2 tháng. Tuy tỷ lệ nông hộ tiếp cận với nguồn tín dụng phi chính thức không cao nhưng phải chịu mức lãi suất rất cao, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của nông hộ. Đây là vấn đề cần lưu tâm của ngành nông nghiệp địa phương và các tổ chức tín dụng.

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu đã giải quyết được các mục tiêu đề ra với một số kết luận như sau:

-    Nguồn tín dụng chính thức giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình tái đầu tư và mở rộng qui mô sản xuất của nông hộ sản xuất lúa trong mô hình CĐML, trong đó, vai trò của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất quan trọng;

-    Mục đích tiếp cận nguồn tín dụng chính thức của phần lớn nông hộ vẫn là đầu tư vào sản xuất lúa, đồng thời tỷ lệ nông hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích khá cao.

Từ kết luận trên, một số kiến nghị được đề xuất nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hỗ trợ cho nông hộ tham gia mô hình CĐML như sau:

-    Nâng cao nhận thức vai trò của các tổ chức đoàn thể để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin, đồng thời thông qua hội đoàn thể nông hộ có thể tiếp cận với các tổ chức tín dụng chính thức tốt hơn;

-     Nghiên cứu đa dạng hóa sinh kế, tận dụng thời gian lao động nhàn rỗi để tăng thu nhập, tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng chính thức, từ đó dễ tiếp cận với nguồn tín dụng này.

Thiện Thắng
Theo Theo Tạp chí Khoa học Cần Thơ Số 03 (57)/2016
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Nghiên cứu: “Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Huỳnh Trường Giang, Vũ Hùng Hải – Trường Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Nguyễn Hải Nam – Khoa phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.





© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->