Ứng dụng [ Đăng ngày (14/06/2011) ]
Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm
Đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” do nhóm học sinh lớp 11A2 của trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) đã đoạt giải nhất cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần thứ 8, do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ GD&ĐT, Báo Khoa học và Đời sống tổ chức.

Dự kiến lễ trao giải diễn ra ngày 22-6 tại Hà Nội.

Nhóm tác giả gồm Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy và Nguyễn Thanh Liêm. Thầy Nguyễn Ngọc Hải, người hướng dẫn các học sinh thực hiện đề tài cho biết: ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, tàu thuyền nhiều nên tình trạng xăng dầu loang trên sông gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Từ đó, thầy Hải hướng dẫn nhóm học sinh sử dụng các vật liệu dễ kiếm ở địa phương để hút xăng dầu trên mặt nước. Nhóm nghiên cứu thí nghiệm với xơ dừa khô, lục bình khô và vỏ tràm. Qua nhiều lần, nhóm phát hiện vỏ tràm ngăn chặn ô nhiễm xăng dầu tốt nhất.

Em Nguyễn Thanh Liêm giải thích: “Sau khi phát hiện đặc tính háo dầu của vỏ cây tràm, nhóm nghiên cứu tạo ra các tấm thảm vỏ tràm có khả năng thu gom dầu rơi vãi trên sông đạt hơn 97%. Kết quả nghiên cứu đã được ủng hộ rất cao từ các điểm bán xăng dầu, sửa chữa máy móc trong khu vực. Các thảm vỏ tràm sau khi thu giữ dầu loang có thể phơi khô và ủ hoai để trồng cây”.

Cây tràm lá dài (tràm ngập nước) có tên khoa học Melaleuca cajuputi là loài cây phát triển nhanh, chịu được đất phèn và đất mặn ngập nước nên có rất nhiều ở ĐBSCL. Tràm có khả năng tái sinh chồi, gỗ dùng để làm cọc cừ trong công trình xây dựng, đóng đồ dùng, đốt than, lá cung cấp tinh dầu làm dược liệu... Đặc biệt là vỏ tràm khô giữ nước rất kém nhưng lại hút xăng dầu rất tốt.

Học sinh trường THPT An Lạc Thôn từng được trao giải nhất cho đề tài “Gòn- bông băng cho nước nhiễm dầu” năm 2007 trong cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề’’ lần thứ tư. Đề tài này đã được chọn dự giải thưởng Stockholm, Thụy Điển về nguồn nước thế giới.

Xuân Lương
Theo http://www.tienphong.vn (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Nông nghiệp  
 
Tỉnh Hòa Bình: Hướng đến trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Là tỉnh có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích cả nước, giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Những năm qua, nhờ chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sự chủ động của các hộ sản xuất, Hòa Bình đã hình thành những vùng hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao. Đơn cử, như: Vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn...


 
Xây dựng  
   



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->