Ở Việt Nam, tuy không phát triển rầm rộ, các nghiên cứu về cây trồng biến đổi gene đã và đang được thực hiện tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Sinh học nhiệt đới... Việt Nam cũng bước đầu thành công trong việc chuyển gene các loại cây có ý nghĩa kinh tế như kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu, bệnh, prro- vitamin A... vào cây lúa, bắp cải, ngô, đu đủ, hoa. Tuy nhiên, những thành công này chỉ dừng lại ở mức độ phòng thí nghiệm chứ chưa triển khai sản xuất đại trà.
Mặc dù vậy, các nhà quản lý và khoa học khẳng định, thị trường thực phẩm của Việt Nam đã xuất hiện các cây trồng và sản phẩm biến đổi gene. Chúng được nhập khẩu bằng con đường chính thức hoặc không chính thức nhưng vẫn chưa được quản lý hay thông báo công khai. Kết quả một cuộc điều tra của Bộ NN&PTNT cho thấy, hầu hết mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường được nhập theo con đường chính thức thông qua các công ty liên doanh với nước ngoài đều chứa sản phẩm biến đổi gene (ngô và đậu tương chuyển gen) với một tỷ lệ nào đó.
Bộ NN&PTNT cũng nhận định, rất có thể một số thực phẩm chế biến từ đậu tương, ngô, cải dầu... trên thị trường cũng có chứa sản phẩm biến đổi gene mà ngoài nhãn mác không hề ghi thông báo "sản phẩm biến đổi gene". Hiện Bộ NN&PTNT đang đặt hàng Viện Di truyền nông nghiệp tiến hành xác định sản phẩm biến đổi gene trong một số thực phẩm nhập.
Trong một phát biểu trước đây, GS.TSKH Lê Doãn Diên, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội KHCN Lương thực và Thực phẩm Việt Nam, cho rằng: “Bất kỳ một phát minh sáng chế nào, bất kỳ một thành tựu khoa học nào ngoài lợi ích to lớn, vẫn có một số nguy cơ tiềm ẩn và trong thực tế nguy cơ bằng không là không bao giờ tồn tại. Ngay trong một số thực phẩm truyền thống cũng chứa đựng một số nguy cơ. Ví dụ như khoai sọ, nhộng tằm đã gây dị ứng cho một số người tiêu dùng.
Do đó, sinh vật biến đổi gene nói chung và thực phẩm biến đổi gene nói riêng có chứa đựng một số nguy cơ tiềm ẩn cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là ở chỗ, phải xem xét một cách thận trọng và ước tính nguy cơ của từng trường hợp cụ thể, từ đó tìm ra các biện pháp khắc phục, phòng tránh”. (Theo Vusta)
|