Cơ khí [ Đăng ngày (11/04/2016) ]
Loại thép mới cứng gấp 62 lần inox
Các nhà nghiên cứu Mỹ phát triển một loại thép siêu cứng có thể che chắn vệ tinh trước thiên thạch hoặc khoan qua những lớp đá chắc chắn nhất.

Độ cứng của loại thép mới chỉ thua kém kim cương. Ảnh minh họa: Reddit.

Theo Discovery News, loại thép mới có tên là SAM2X5-630 có thể chịu được áp suất và ứng suất lên tới 12,5 giga-Pascal (tương ứng với khoảng 125.000 atmosphere) mà không hề hấn gì. Nhóm nghiên cứu tại Đại học California, San Diego (UC San Diego) và Đại học Southern California công bố phát minh trên tạp chí Nature Scientific Reports đầu tháng 4.

So với vật liệu thép mới, áp suất tối đa mà thép inox chịu được là 0,2 giga-Pascal, còn tungsten carbide (một loại gốm cường lực sử dụng cho các phương tiện bọc giáp trong quân đội) là 4,5 giga-Pascal. Như vậy thép SAM2X5-630 cứng hơn inox 62,5 lần, và độ cứng của nó chỉ thua kém kim cương.

"Vật liệu của chúng tôi được bổ sung thêm những nguyên tố không có ở thép thường", Olivia Graeve, giáo sư cơ khí tại Trường Kỹ thuật Jacobs trực thuộc UC San Diego, chia sẻ. "Nó chứa boron, tungsten, silicon, những nguyên tố này cho phép vật liệu nới lỏng cấu trúc tinh thể của nó và trở thành một kim loại vô định hình".

Trong loại thép mới này, nguyên tử sắt và các-bon (thành phần của thép) có dạng vô định hình trong khi những phần khác sắp xếp theo cấu trúc tinh thể giống như thủy tinh kim loại.

Thép SAM2X5-630 được sản xuất bằng cách chuyển hỗn hợp sắt thành dạng bột, cho vào khuôn graphite, nén với áp suất 100 mega-Pascal và sau đó để dòng điện 10.000 Amper chạy qua, khiến các nguyên tử nóng tới mức kết chặt với nhau mà không hóa lỏng.

Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ cho nghiên cứu với mục đích sử dụng vật liệu này làm vỏ ngoài cho những thùng phuy chứa chất thải hạt nhân lưu trữ ở cơ sở hạt nhân Yucca Mountain.

Theo John Poon, giáo sư vật lý ở Đại học Virginia, Mỹ, một ý tưởng khác là sử dụng loại thép mới cho đầu đạn xuyên phá. "Một số đầu đạn chế tạo từ vật liệu siêu cứng có thể xuyên qua hang động hoặc tường chắn ở Afghanistan hoặc những nơi khác", Poon nói.

Graeve cho biết vật liệu mới còn có một lợi ích ngoài dự kiến là không bị han gỉ, có thể sử dụng trên tàu thủy và tàu ngầm. "Loại thép này không bị oxy hóa. Bạn có thể dùng vật liệu để phủ ngoài bất cứ thứ gì tiếp xúc với nước biển. Nó chống ăn mòn tốt hơn một triệu lần so với thép không gỉ", Graeve khẳng định.

Phương Hoa
Theo www.vnexpress.net(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu xử lý bùn thải sinh học từ hệ thống xử lý nước thải cơ sở giết mổ gia súc thành sinh khối nuôi giun quế (Perionyx Excavatus)
Giun quế hay còn gọi là giun đỏ được nuôi và sản xuất thương mại ở nhiều địa phương. Trong nông nghiệp, giun quế được xem là loại thức ăn sạch, giàu đạm bổ sung dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, phân giun quế cũng được đánh giá là một chế phẩm phân hữu cơ sinh học rất tốt cho nhiều loại cây trồng, sử dụng thay thế phân vô cơ, như giải pháp để sản xuất các loại rau sạch, an toàn. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các trang trại chăn nuôi thường tận dụng phân gia súc, gia cầm kết hợp với rơm rạ hoặc rác thải sinh hoạt để nuôi giun quế. Nuôi giun qué bằng phân tươi của động vật có thể gây ra các vấn đề liên quan an toàn vệ sinh và ô nhiễm môi trường.




Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->