Tài nguyên [ Đăng ngày (25/12/2015) ]
Cứu 'lá phổi xanh' đầm Thị Nại
Đầm Thị Nại có diện tích mặt nước trên 5.000 ha, nằm trên địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát (Bình Định) không chỉ là “lá phổi xanh” khổng lồ mà còn là nguồn sống của cư dân ven đầm.

Người dân huyện Tuy Phước (Bình Định) trồng rừng ngập mặn phục hồi hệ sinh thái đầm Thị Nại

Hệ sinh thái của đầm Thị Nại đang bị suy thoái trầm trọng đã tước mất của nó chức năng điều hòa khí hậu, ngư dân chuyên hành nghề khai thác thủy sản trong đầm cũng bị tước mất kế sinh nhai.

Ông Đinh Văn Tiên, PGĐ Sở TN-MT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo Bình Định đưa ra thực trạng đáng lo ngại về đầm Thị Nại.

Đó là theo khảo sát, đánh giá của Viện Hải dương học Nha Trang và nhóm nghiên cứu thuộc Chi cục Biển và hải đảo Bình Định, hệ sinh thái của đầm Thị Nại đã dần suy giảm trong vài ba thập niên gần đây, dẫn đến nguồn lợi thủy sản trong đầm cạn kiệt dần.

Trong 5 năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trong đầm Thị Nại đã suy giảm đến 93%, hiệu quả đánh bắt của ngư dân thấp hơn trước khoảng 76%, đây là những con số đáng báo động.

Ông Hồ Đắc Ngà ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản trong đầm Thị Nại, than thở việc nguồn lợi thủy sản trong đầm cạn kiệt thấy rõ.

Trước đây, thời điểm đánh bắt hiệu quả thấp nhất ông cũng có thu nhập từ 150.000-200.000 đ/ngày. Bây giờ thì chịu rồi, đánh bắt cả ngày chẳng được gì, đói dài.

Ông Đinh Văn Tiên cho biết, khu vực phía Đông Nam đầm Thị Nại có dân số trên 5.228 người, hầu hết hệ thống vệ sinh đều thải thẳng ra đầm; còn khu vực Cồn Chim thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) có hơn 159 hộ thì chỉ có gần 9% số hộ có nhà vệ sinh.

“Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác thủy sản bằng xung điện, xiệc máy cũng đã góp phần hủy hoại môi trường sinh thái và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản của đầm”, ông Tiên nói.

Đã đến lúc ngăn chặn “bệnh tật” xâm nhập “lá phổi xanh” đầm Thị Nại, trong những năm qua, ngành chức năng ở Bình Định đã có nhiều can thiệp nhằm phục hồi hệ sinh thái trong đầm.

Theo ông Đinh Văn Tiên, được sự trợ giúp của nhiều tổ chức, các nhà khoa học, trong thời gian qua, Chi cục Biển và hải đảo Bình Định đã triển khai dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp đầm Thị Nại theo hướng phát triển bền vững”.

Theo đó, nhóm nghiên cứu của Chi cục đã đề ra một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình môi trường đầm, đồng thời góp phần quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên của đầm một cách hợp lý, hiệu quả.

Trong đó có một số giải pháp được đặt ra như tổ chức kiểm soát và điều tiết các hình thức, phương thức khai thác tài nguyên vùng đầm Thị Nại và khu vực lân cận; xây dựng quy chế quản lý dựa vào cộng đồng; kiểm soát các công trình quanh đầm, nhất là các hoạt động nhà hàng, du lịch, tàu thuyền khai thác.

Đình Thung
Theo www.nongnghiep.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Tập tục tu báo hiếu học làm người vùng Bảy Núi
Mùa hè cũng là lúc cao điểm số đông thanh niên Khmer (đặc biệt là vùng Bảy Núi, An Giang) bắt đầu vào mùa tu báo hiếu. Đây là một tập tục truyền thống lâu đời mang ý nghĩa báo hiếu ông bà, cha mẹ theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer của đồng bào Khmer.




Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->