Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (19/08/2015) ]
Sống thiếu khứu giác
Johnson mất khứu giác sau tai nạn thể thao. Anh không còn ngửi thấy mùi thịt bò nướng yêu thích, và luôn day dứt tìm lại mùi hương của những người thân yêu.

Khứu giác đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người. Ảnh: Thinkstock

Nick Johnson, 34 tuổi, đại diện bán hàng một hãng bia gặp tai nạn khi chơi hockey trên băng ở Collegeville, Pennsylvania hồi tháng 1/2014. Johnson bị ngã ngửa, đập đầu xuống băng, đi cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, chảy máu tai. Anh phải nằm viện 6 tuần điều trị vài vết nứt trên xương sọ, đọng máu não, thủng màng nhĩ và chịu đựng những cơn co giật. Thật may mắn là Johnson đã nhanh chóng hồi phục và có thể đi làm trở lại.

Ban đầu do áp lực của thương tật cùng các loại thuốc men điều trị, Nick không mấy để ý đến khứu giác cho lắm. Nhưng khi tham gia giới thiệu dòng sản phẩm bia mới cùng đồng nghiệp, anh bàng hoàng nhận ra anh không còn ngửi được mùi bia thơm ngọt. Anh đã thử nhiều cách mong tìm lại một chút mùi hương quen thuộc nhưng thất bại, anh hoàn toàn mất đi khứu giác.

Nick không thể ngửi thấy hàng ngàn mùi hương khác nhau, vị giác cũng bị ảnh hưởng. Các vị cơ bản như mặn, ngọt, chua, cay có thể cảm nhận được bằng lưỡi, nhưng những hương vị đặc biệt như tinh dầu tiết ra hay món thịt bò nướng thì phải được cảm nhận bằng sự kết hợp của vài giác quan. Nick thì không thể, anh đành chọn món, thưởng thức bữa ăn trong vô vị.


Johnson không còn ngửi thấy mùi vị thịt bò nướng. Ảnh: Thinkstock

Khứu giác là một trong năm giác quan cơ bản của con người và động vật, có chức năng cảm nhận mùi. Bình thường, mũi người có chừng 100 triệu tế bào thần kinh để ngửi và khoảng 1.000 gene khác nhau nằm trong các tế bào cảm thụ khứu giác này. Mỗi thụ thể thần kinh chỉ phân tích, tiếp nhận một số mùi nhất định. Tín hiệu điện từ thụ thể khứu giác sẽ được chuyển về não bộ để xác định được mùi hương.

Các phân tử mùi dễ bay hơi thâm nhập vào mũi nhờ sự vận chuyển của không khí, tại mũi nó sẽ tự phân tán vào dịch nhầy được tiết ra từ màng nhầy của mũi. Tiếp theo, dịch nhầy sẽ liên kết với các dây thần kinh khứu giác để chuyển đổi các thông tin trở thành tín hiệu điện, dẫn truyền về não bộ qua cấu trúc xương có hình mắt sàng, vào trung tâm xử lý khứu giác, từ đó não bộ nhận ra mùi.



Bò có nhiều tế bào cảm thụ mùi hơn chó, nhưng không có nghĩa là nó đánh hơi tốt hơn. Ảnh: Thinkstock

Ảnh hưởng đối với con người

Khứu giác của con người không được đánh giá là xuất sắc trong thế giới tự nhiên nhưng lại có tác động mạnh lên tư duy và cách hành xử của loài người. Trung tâm xử lý khứu giác nằm trên vỏ não gần vùng trí nhớ và cảm xúc nên một mùi quen thuộc có thể gợi nhớ những hình ảnh xa xưa hay nhiều cảm xúc vui buồn khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra sự mất mát lớn khó tưởng tượng nổi trong bản thân những người, vì lý do nào đó, mất đi khứu giác. Có lẽ, do chúng ta ban đầu không đánh giá cao khứu giác như các giác quan khác, chỉ thật sự hiểu ra khi mất đi khả năng tận hưởng hương vị trong cuộc sống.

Khứu giác cũng giúp con người nhận biết các mùi có tính chất độc hại nguy hiểm như mùi của thức ăn bị hư thối, mùi gas, mùi các chất khí độc hại ô nhiễm... Khứu giác còn hỗ trợ sự giao lưu và quan hệ xã hội giữa con người với con người.

Đối với Nick, việc mất đi khứu giác không chỉ lấy đi hương vị của đồ ăn thức uống, mùi hương thân thuộc của những người thân yêu bên cạnh anh không thể cảm nhận được khiến anh vô cùng day dứt.

Nghiên cứu trên diện rộng cho thấy có hàng triệu người trưởng thành không còn khả năng sử dụng khứu giác – do bẩm sinh hoặc do tai nạn. Bệnh viêm xoang mũi khó chịu cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mất khứu giác ở lớp trẻ. Nguy cơ lớn nữa là do các tác nhân độc hại ở môi trường gây hại cho các nơron thần kinh của cơ quan khứu giác ngay trong lỗ mũi. Người già chịu tác động lớn của suy giảm hệ thống tái tạo tế bào, hệ miễn dịch, các bệnh nhiễm trùng dai dẳng làm giảm sút rõ rệt khứu giác.

Với trường hợp của Nick Johnson, tai nạn gây rạn xương sọ, đã khiến các nơron thần kinh của cơ quan khứu giác mất liên kết với não bộ, làm cho anh không còn cảm nhận được mùi hương.

Theo BBC, rất khó để tìm lại khứu giác đã mất. Nói cách khác là phục hồi chức năng khứu giác rất khó điều trị và khả năng hồi phục hoàn toàn không cao. Tuy rối loạn khứu giác không gây giảm sút nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của con người.

Sự phát triển của khoa học công nghệ có thể đưa đến những cải thiện, mang lại rất nhiều các phương pháp điều trị mới hiệu quả. Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Mùi Vị Monell, Philadelphia, (Mỹ) đang nghiên cứu tế bào gốc thay thế tế bào cảm thụ khứu giác. Họ dự định thử nghiệm trên động vật tháng 9 tới và thử nghiệm lâm sàng trong 5-10 năm nữa. Hy vọng phương pháp này sẽ giúp những người mất khứu giác bẩm sinh hoặc tai nạn hồi sinh khứu giác.

Nick Johnson thì thấy rằng mình đã may mắn sống sót và hạ quyết tâm hướng đến một cuộc sống tích cực hơn, thậm chí sẽ vẫn chơi hockey trên băng, chỉ cần đội một chiếc mũ bảo hiểm thật tốt.

"Tôi bị chảy máu não và suýt chết. Nhưng may mắn thay, tôi không chết. Nếu mất khứu giác là điều phải đánh đổi để giữ lại mạng sống, tôi sẽ chấp nhận nó," Johnson nói.

Tuệ Lâm
Theo http://vnexpress.net (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Nghiên cứu: “Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Huỳnh Trường Giang, Vũ Hùng Hải – Trường Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Nguyễn Hải Nam – Khoa phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.





© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->