Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu phản ánh thực trạng người lao động đi làm ngoài tỉnh và tỷ lệ lao động trở về; xác định các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút người lao động trở về địa phương làm việc. Trên cơ sở đó, có những gợi ý chính sách để tạo cơ hội việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động trở về cũng như hạn chế tình trạng di cư của người lao động góp phần ổn định phát triển kinh tế địa phương.
Thông qua phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản, nghiên cứu tiến hành khảo sát 103 lao động tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Kết quả phân tích dựa theo phương pháp phân tích xoay nhân tố cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút người lao động trở về địa phương làm việc như sau: bản thân gia đình của người lao động, họ cho rằng về quê làm việc để thuận tiện hơn cho con đi học và có điều kiện chăm sóc người thân trong gia đình; cơ hội làm việc tại địa phương là lực hút góp phần quan trọng trong quyết định người lao động trở về, họ kỳ vọng rằng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ tạo cho họ nhiều cơ hội việc làm mới tốt hơn và từ đó, giúp họ có điều kiện tốt để phát huy năng lực bản thân khi về quê làm việc; môi trường làm việc ngoài tỉnh là lực đẩy góp phần tạo nên luồng di cư ngược lại của người lao động về địa phương có xu hướng ngày càng nhiều do mức sống và chi phí sinh hoạt khi đi làm ngoài tỉnh cao; công việc làm ngoài tỉnh bị áp lực, cạnh tranh cao, công việc không phù hợp dẫn đến thu nhập của người lao động bấp bênh.
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã đưa ra ba gợi ý về mặt giải pháp góp phần tạo cơ hội việc làm cho người lao động tại điểm nghiên cứu: tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là người lao động còn khó khăn, thông qua đó giúp người lao động có tay nghề/ nâng cao kỹ năng từ đó giúp người lao động sử dụng có hiệu quả hơn thời gian nhàn rỗi trong việc học nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho bản thân người lao động, cho gia đình và góp phần tạo tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, người lao động tranh thủ sự hộ trợ nguồn vốn thông qua Đề án đào tạo nghề của địa phương để phát triển/ mở rộng ngành nghề đã được học; tăng cường công tác đào tạo nghề nông thôn, trong đó trú trọng đến công tác tuyên truyền theo chiều sâu và hiệu quả đầu ra hướng đào tạo theo địa chỉ, chứ trọng đến giải quyết việc làm tại chỗ, sản phẩm đầu ra phải liên kết với các ngành nghề truyền thống ở địa phương, tạo thị trường đầu ra ổn định và phát triển bền vững ngành nghề, sản phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền và hướng nghiệp cho người lao động am tường các thông tin và điều kiện xin việc, doanh nghiệp, tiền lương, nơi ăn ở...trước khi người lao động di cư tìm việc ngoài tỉnh. |