Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (07/09/2014) ]
Khái quát bối cảnh lịch sử và đặc điểm tiến trình phát triển lễ hội dân gian của người Việt ở Nam bộ
Với tư cách là một vùng văn hoá mang tính chất như một bộ phận của nền văn hoá Việt Nam thông nhất, văn hoá Nam Bộ theo bước chân những người lưu dân Việt ra đi từ “cái gốc” của nền văn hoá truyền thống Việt Nam, cái “đồng” vẫn là truyền thống văn hoá Đại Việt, nhưng cái “dị” là yếu tố giao tiếp văn hoá dân tộc giữa người Việt cùng các dân tộc khác, giữa văn hoá truyền thống với văn hoá hiện đại trên vùng đất mới, trong hoàn cảnh lịch sử mới… – tất cả góp phần tạo ra nhiều nét đặc thù mang tinh thần văn hoá (mentalité culturelle) Nam Bộ thể hiện ra không phải chỉ qua phương ngữ, tâm lý xã hội, lối sống, v.v. mà còn qua cả tôn giáo, tín ngưỡng và các sinh hoạt lễ hội dân gian nơi đây.

Hoạt động lễ hội dân gian nói riêng, văn hoá dân gian nói chung, ngoài sự tự thân vận động bởi các qui luật đặc thù tạo ra các đặc điểm nội tại chi phối sự phát triển “bên trong” bản thân mang tính chất như những nhân tố “nội sinh”, nó còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những nhân tố khác mang tính chất “bên ngoài”, trong đó tác động của các thể chế nhà nước thuộc các chế độ xã hội đương thời có vai trò quan trọng. Các tác động ấy một mặt vừa là nhân tố “nội sinh” trong tiến trình phát triển của các lễ hội dân gian dưới sự ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hoá của giai cấp thống trị với tư cách là dòng văn hoá chính thống (mà thực chất đó vẫn là sự tích hợp các giá trị thuộc các dòng văn hoá khác nhau dựa trên cơ sở kế thừa vốn văn hoá dân tộc đã được hội tụ như những “trầm tích” lắng đọng từ hàng trăm, hàng ngàn năm), vừa mang tính chất “ngoại sinh” vì nó chi phối mạnh mẽ quá trình “thiết chế hoá” làm cho các lễ hội dân gian không dừng lại chỉ là những sinh hoạt folklore thông thường mà còn từng bước trở thành như những thiết chế xã hội với chức năng cơ sở vật chất; cơ chế tổ chức và các hoạt động đặc thù…

Ở đỉnh cao giai đoạn thịnh trị cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là của chế độ phong kiến Việt Nam, Minh triều hương ước (năm Tự Đức thứ năm, 1852) ban hành khắp Nam Bộ nhằm đưa ra quy định về cơ chế bộ máy tổ chức chính quyền cơ sở (xã, thôn, ấp), trong đó có các chức dịch lo việc đình, miếu, lễ hội. Việc tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội lúc này không tách rời với nhiệm vụ quản lý hành chính, trật tự trị an.. của chính quyền cơ sở. Màu sắc chính thống và khuôn mẫu phong kiến nhờ vậy mà có cơ hội đi vào chi phối mạnh mọi hình thức, nội dung các lễ hội dân gian, đặc biệt là ở các ngôi đình Nam Bộ. Xu hướng “đình hoá” các lễ hội dân gian Nam Bộ nói chung có lẽ cũng phát triển từ đó. Cùng lúc ấy, việc ban hành hàng loạt sắc phong cho các thần thành hoàng ở Nam bộ, việc công nhận các phúc thần, các nhân vật có công trạng trong quá trình khai phá, mở mang vùng đất mới, v.v. tất cả nhằm khẳng định giềng mối, kỷ cương chế độ phong kiến trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của Nam bộ. Dù rằng các yếu tố phong kiến trong đời sống văn hoá tinh thần, cụ thể là trong các sinh hoạt lễ hội dân gian của người Việt ở Nam bộ vẫn chưa phải thật sâu đậm lắm nhưng cũng đủ góp phần tạo thêm nét thống nhất về cơ bản của nền văn hoá truyền thống Việt Nam từ Bắc đến Nam kịp trước khi các thế lực thực dân đế quốc ra tay xâm lược và xâu xé nó.

Điều đó càng rất có ý nghĩa đối với việc lý giải thái độ tiếp biến văn hoá khá đặc biệt của người Việt ở Nam bộ đối với văn hoá phong kiến lúc ấy.

Xét về bản chất và trên tổng thể, bởi nhiều nguyên nhân, văn hoá của những lưu dân Việt trên đất Nam bộ ngay buổi đầu vốn là một nền văn hoá ít chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp của văn hoá phong kiến đồng thời có thể nhanh chóng tiếp thu nhiều nguồn văn hoá khác nhau tại vùng đất mới. Tính chất năng động, cởi mở trong các quá trình giao tiếp văn hoá của người Việt ở Nam bộ cũng bắt nguồn từ đó và hệ quả của nó là rất rõ rệt, thậm chí còn tác động ngược lại đối với chế độ phong kiến đương thời. Minh triều hương ước chỉ qui định việc xây đình, người dân tự động dựng thêm cả chùa và miếu (với số lượng rất lớn)… Tiếp sau đó, sắc phong của triều đình rõ ràng không chỉ dành cho các thần thành hoàng mà còn phải thừa nhận chính thức cả các thần thánh thuộc tín ngưỡng dân gian ảnh hưởng từ các dân tộc khác đang được đông đảo dân Việt cùng tôn thờ như Thiên Yana, Đại càn thánh nương nương, Linh sơn thánh mẫu, v.v… thậm chí có cả những “con vật thiêng” như Rái cá (Lang lại nhị đại tướng quân), Cá voi (Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần), Ngựa trắng (Bạch Mã thái giám), v.v… Đặc biệt, sau này người ta còn trân trọng tôn thờ cả những nhân vật công thần triều đình phong kiến từng chịu nhiều oan khuất bởi chính chế độ phong kiến, như Lê Văn Duyệt chẳng hạn…

Tuy nhiên, bên cạnh đó có một xu hướng ngược lại rất rõ nét. Mặc dù không có hương ước thành văn như ở miền Bắc, các làng xã Nam bộ thực sự là một “không gian mở” trên mọi mặt, nhưng dường như lúc nào cũng vẫn có những “lệ làng” mang tính chất như một tâm thức vô hình chi phối mọi hành vi văn hoá của con người nơi đây. Cụ thể là trong các sinh hoạt lễ hội dân gian của người lưu dân Việt trên vùng đất mới thường có những hình thức, nội dung luôn nhắc nhở họ hướng về “gốc rễ” của mình, mà “gốc rễ” ở đây gần như là được đồng hoá với hình ảnh ông vua, với triều đình phong kiến. Nhìn chung lễ hội dân gian người Việt ở Nam Bộ trước sau vẫn có xu hướng nặng lễ hơn hội (chú trọng lễ hơn là đầu tư phát triển hội), trong lễ (nhất là ở các lễ hội lớn) lại chiếm vị trí phổ biến là các nghi thức cung đình (xu hướng “đình hoá”) mà chủ yếu đó là những nghi lễ truyền thống mang tính chất điển chế hoá theo phong cách cung đình với các nội dung ca ngợi chế độ phong kiến. Cũng với tinh thần ấy mà các sắc phong cho các thần thánh do vua ban đều trở thành như những báu vật thiêng liêng nhất. Người ta giữ gìn nó hết sức cẩn trọng, long trọng làm lễ rước sắc, khai sắc, hồi sắc để mở đầu và kết thúc mỗi kỳ, cuộc lễ hội. Thậm chí có lúc vì mong muốn có nó mà người ta phải tổ chức đánh cắp sắc phong ở nơi khác, v.v. Tóm lại, do chưa có một mẫu mực xã hội nào mới mẻ so với mô hình phong kiến đương thời và đặc biệt là xuất phát từ ý thức không bao giờ quên hướng về cội nguồn dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử chung của đất nước và riêng của Nam bộ lúc ấy, việc “thiết chế hoá” các sinh hoạt lễ hội dân gian của người Việt ở Nam bộ giai đoạn đầu không có lối nào khác hơn là phải đi theo con đường phong kiến hoá. Tính chất nông nghiệp cổ truyền gắn với màu sắc phong kiến ít nhiều trở thành như một bản sắc của toàn bộ hệ thống lễ hội dân gian của người Việt ở Nam bộ bắt đầu từ đấy.

Đến giai đoạn Pháp thuộc, nhằm khống chê các sinh hoạt văn hoá dân tộc và ngăn ngừa sự “nổi loạn” của những con người tích cực tham gia tổ chức và tham dự vào các sinh hoạt ấy, chính quyền thực dân Pháp tìm cách tách tôn giáo, tín ngưỡng ra khởi chức năng bộ máy hành chính ở cơ sở lúc bấy giờ. Tập Tổng lý qui điều (1887), sau đó cải biến nâng cao thành Tân thơ tổng lý qui điều (1913) được ban hành xem như là cẩm nang cho hương chức hội tề thời ấy thực hiện chức trách của mình, chủ yếu là hành chính, an ninh, thuế khoá, giáo dục, y tế… Riêng các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, lễ hội thì lại hoàn toàn bị tách biệt ra khỏi những việc đó; hơn nữa, việc trùng tu, xây dựng đình, chùa… còn bị qui định chặt chẽ rằng nhất thiết phải xin phép quan tham biện chủ tỉnh v.v… Tuy vậy, vì ý thức giữ gìn vốn văn hoá dân tộc và tinh thần đấu tranh chống văn hoá “lai căng mất gốc” mà phong trào trùng tu, xây dựng đình, chùa, miếu, võ… trong giai đoạn khó khăn này lại được phát triển mạnh mẽ đặc biệt là vào những năm 1905-1930. Nhiều nơi người ta còn chủ động tự xây dựng bộ máy tổ chức quản lý các sinh hoạt lễ hội dân gian, ví dụ họ bày ra ba loại hương chức hội tề, trong đó loại ba, tức Hội hương (Hương lễ, Hương nhạc, Hương văn, v.v..) chuyên lo phục vụ hoạt động lễ hội. Sau đó, người ta tiếp tục đặt ra thêm nhiều chức vụ khác nữa (như Tri Lễ, Tiếp Lễ, Lễ sinh, Tri nhạc, Tiếp nhạc, v.v..) chủ yếu không phải vì quyền lợi “ăn trên ngồi trước” mà vì cùng lo gánh vác về kinh tế theo tinh thần “trách nhiệm càng cao, sự đóng góp càng nặng” (cho nên càng đông người thì càng “nhẹ gánh hơn”!) trong đó, có lẽ trên tất cả vẫn là vì nhu cầu văn hoá tinh thần của bản thân và của cộng đồng, vì ý thức phục vụ việc bảo vệ di sản văn hoá dân tộc của những con người tích cực…

Cũng bằng tinh thần ấy, ngay lực lượng trí thức Tây học người Việt (như Huỳnh Tịnh Của, Diệp Văn Cương, sau này là Huỳnh Công Thạnh, Đỗ Văn Rỡ, v.v.) đã từng tích cực tham gia nghiên cứu, sưu tầm hoặc trực tiếp tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội dân gian với những nỗ lực cải cách đáng kể. Đến khi do ảnh hưởng của phong trào Duy Tân cùng các xáo trộn về địa giới hành chính, v.v. làm cho đình làng trở thành đình hội kết hợp với những đổi mới về tổ chức (Hội trưởng, Hội phó, Thư ký, Thủ bổn…), hoạt động của hệ thống lễ hội dân gian người Việt ở Nam bộ bắt đầu mang thêm tính chất phường, hội, hoặc nhen nhóm một hình thức sơ khai của hoạt động câu lạc bộ (club). Việc tổ chức hoạt động lễ hội dân gian từ đó ngày càng chặt chẽ, nề nếp và mang tính hiện đại nhiều hơn. Trên cơ sở các thiết chế tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là ngôi đình ngày càng có thêm điều kiện gắn bó hơn nữa trong đời sống xã hội của cộng đồng. Ví dụ, việc sử dụng chiêng trống, mõ trong các nghi thức cúng tế (tế thần thánh, tế người chết, tế thần thành hoàng…) sau đó là trong việc gọi dân (khi có thuỷ, hoả, đạo tặc, án mạng...) trong việc gọi các chức dịch (khi có công việc), v.v.. được qui định nghiêm túc, rõ ràng vừa làm tăng thêm tính chất “bài bản” cho quá trình “thiết chế hoá” của các cơ sở tín ngưỡng, các sinh hoạt lễ hội dân gian ấy vừa khẳng định vị trí các “thiết chế” đó trong đời sống chung của cộng đồng với tư cách như là một đầu mối trực tiếp góp phần tự quản các hoạt động văn hoá - xã hội ở cơ sở và vừa có thể thực hiện tinh thần tự bảo vệ, giữ gìn lấy vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm và những chính quyền tiếp theo ở miền Nam Việt Nam mặc dù có đồng ý cấp chứng nhận cho các hương chức, thừa nhận và duy trì các sinh hoạt lễ hội dân gian, cải cách tổ chức hoạt động và một số nghi thức lễ hội theo hướng đơn giản hơn… nhưng những qui định ngặt nghèo về việc di dời địa điểm các ngôi đình ra gần mặt lộ là các biện pháp khắc nghiệt để thực hiện chủ trương gom dân lập ấp chiến lược, cộng với hoàn cảnh chiến tranh ngày càng tràn lan và khốc liệt – tất cả đã làm hạn chế rất nhiều sự phát triển bình thường của tín ngưỡng và lễ hội. Thậm chí việc xây dựng, trùng tu đình miếu giai đoạn này còn kém hơn cả thời Pháp thuộc! Ngoài ra, ngay thời ấy, xu hướng “dịch vụ hoá” các hoạt động lễ hội dân gian đã bắt đầu xuất hiện, và người ta có thể nhân danh khẩu hiệu khoa học hoá, đơn giản hoá để “mạnh dạn” cắt sửa văn tế, sắp đặt lại nghi thức, v.v. đôi khi đã vô tình làm hư hỏng khá nhiều giá trị văn hoá dân tộc trong các sinh hoạt lễ hội dân gian. Dù sao đi nữa, trước nhu cầu tinh thần bức xúc của con người trong chiến tranh, với điều kiện dân trí, kinh tế - xã hội khác hơn so với trước, dù quá trình “thiết chế hoá” còn mang nặng tính tự phát hoặc bị cưỡng bức, hệ thống lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ giai đoạn này vẫn có những chuyển động nhất định, ví dụ như Lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam, Châu Đốc từng bước trở thành một trung tâm lễ hội lớn của Nam bộ bên cạnh Lễ hội Bà Đen - Tây Ninh và một số lễ hội vùng khác.

Sau ngày giải phóng 30 tháng 04 năm 1975, một thời kỳ lịch sử mới với một môi trường xã hội mới khác về chất so với mọi giai đoạn trước đó vừa mở ra những triển vọng thuận lợi vừa tạo nên những tình huống bất thường đối với các hoạt động lễ hội dân gian. Một đất nước thực sự thống nhất về hành chính, về chế độ chính trị, là điều kiện cho sự tích hợp và phát huy mọi tiềm năng văn hoá tinh thần vốn có của dân tộc, là tiền đề cho sự mở rộng mọi mối quan hệ giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa các tộc người, các vùng, miền trong nước, giữa trong nước và với khu vực, với quốc tế. Nhưng, cũng đồng thời cùng lúc ấy, hàng loạt vấn đề đặt ra về quan điểm chính thống kết hợp giữa đường lối chính trị với các định hướng văn hoá – xã hội, các chủ trương, chính sách và biện pháp toàn diện, lâu dài và trước mắt để xây dựng, phát triển đất nước trên mọi mặt, trong đó có văn hoá, bao gồm cả việc kế thừa, khai thác, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Tương tự như toàn bộ mọi lĩnh vực hoạt động xã hội khác, lễ hội dân gian của người Việt ở Nam bộ lúc này phải trực tiếp hoặc gián tiếp đối đầu với những vấn đề lớn lao như vậy và trong thực tế đã gặp không ít những thử thách gay gắt.

Trên tinh thần cách mạng, tích cực trong việc kiến tạo lại đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một mô hình xã hội chưa từng có trước đó, chế độ mới vừa được xác lập đã có những nỗ lực rất cao để xây dựng đời sống mới cả về kinh tế lẫn văn hoá. Nhưng do những khó khăn chung buổi đầu sau ngày giải phóng do những hạn chế về quan điểm, nhận thức và phương pháp đối với việc nghiên cứu, kế thừa và phát huy các giá trị trong vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc, hoạt động lễ hội dân gian ở Nam Bộ giai đoạn này nhìn chung có nhiều khó khăn, thậm chí một số lễ hội có xu hướng trì trệ hoặc bị tan rã…

Kịp khi chủ trương “đổi mới” và “mở cửa” được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện trên mọi miền đất nước, trong điều kiện nền kinh tế thị trường “bung ra” bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cùng với những quan điểm, đường lối, biện pháp đúng đắn của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam nhằm “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, các hoạt động lễ hội dân gian lại có cơ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong môi trường xã hội mới ấy.

Tuy nhiên, nhìn trong mối tương quan với các hoạt động văn hoá - xã hội khác, sự phát triển của các lễ hội dân gian trên cả nước nói chung, các lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ nói riêng, do nhiều nguyên nhân cho đến hôm nay rõ ràng vẫn có những dấu hiệu không bình thường. Sự bất bình thường nổi rõ nhất là mặc dù số lượng và quy mô các hoạt dộng lễ hội dân gian có vẻ phát triển mạnh mẽ, rầm rộ nhưng vị trí, tác dụng xã hội của nó, các quan điểm biện pháp quản lý nó… vẫn chưa được mọi người nhìn nhận một cách thống nhất và dứt khoát.

Với đại đa số, nhất là những người “thành tâm” đến tham gia tổ chức và dự lễ hội thì đó là do nhu cầu tinh thần (tín ngưỡng, tâm linh.. hoặc ít nhất là nhu cầu văn hoá – du lịch), một số trong đó thì hưởng ứng như một “thói quen” phong tục tập quán hoặc, có thể với động cơ chân thành là nhằm giữ truyền thống. Cũng cần nhấn mạnh khía cạnh “động lực kinh tế” chi phối khá sâu đậm trong các sinh hoạt lễ hội dân gian hiện nay, đó là động cơ “cầu tài cầu lộc” trong số đông người đến với các lễ hội, đó là xu hướng “dịch vụ hoá”, thậm chí là “kinh doanh hoá” việc tổ chức hoạt động các lễ hội ấy… tóm lại là quy luật kinh tế thị trường từng bước và chừng mức nào đó đã ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của các lễ hội dân gian, trong đó mạnh nhất, rõ nét nhất vẫn là nơi hệ thống lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ.

Ngoài ra vẫn có một số ý kiến nhận định rằng hệ thống lễ hội dân gian vốn là sản phẩm đặc trưng mang tính tàn dư của xã hội cũ tức xã hội phong kiến nông nghiệp cổ truyền, đồng thời dường như sinh hoạt ấy đồng dạng với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí cả với mê tín, dị đoan… tóm lại đó là những hoạt động không còn phù hợp với đời sống hiện đại của xã hội công nghiệp, khoa học và văn minh, tiến bộ ngày nay (!). Trong thực tế quản lý xây dựng văn hoá của chính quyền và ngành văn hoá thông tin ở các địa phương, sinh hoạt lễ hội dân gian thường được xem là “ở bên ngoài” các chỉ tiêu kế hoạch, nội dung hoạt động của các phong trào và thiết chế “văn hoá mới” như nhà văn hoá – câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, v.v.

Tuy nhiên, trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy, dù bị chi phối bởi nhiều lực lượng với nhiều động cơ khác nhau, các lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ dường như vẫn tự thân vận động và phát triển bằng chính những nội lực có thật của mình, trong đó có bản lĩnh giao lưu và tiếp biến văn hoá vốn có của nó. Số lượt người với nhiều thành phần ngành nghề, tầng lớp, dân tộc (kể cả khách du lịch nước ngoài) được thu hút đến với các hoạt động lễ hội dân gian ngày càng đông đảo, đa dạng. Nội dung, hình thức sinh hoạt của từng lễ hội dân gian có dấu hiệu được nâng cao bởi tính cảnh diễn hoá (spectaculariser) thành chương trình, kịch bản (scènaric) chặt chẽ hơn các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được khai thác có hiệu quả như máy tăng âm, ánh sáng điện, v.v.. Phong cách và điều kiện tổ chức, phục vụ làm lễ, dự hội hoặc ăn, ở đi lại… cho đông đảo khách dự lễ hội nói chung là chu đáo, thuận tiện hơn. Một số địa phương ở Nam Bộ còn mạnh dạn đưa liệt sĩ (thậm chí có nơi còn đưa cả Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào thờ ở trong các ngôi đình, đền và ngoài việc cúng tế kết hợp nhân dịp lễ hội chung, người ta còn tổ chức hẳn hoi những chương trình tế lễ riêng vào ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hàng năm!… Ý tưởng khai thác các lễ hội dân gian gắn với các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh kết hợp trong các tuyến điểm (tours) du lịch hoặc quy hoạch xây dựng hẳn thành những khu (trung tâm) văn hoá - du lịch đang ngày càng phát triển mạnh.

Tuy vậy, nhìn trên tổng thể như đã phân tích ở trên, hệ thống lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ mặc dù đã từng vượt qua bao thử thách lịch sử để ngày nay thật sự đã trở thành là những thiết chế văn hoá cổ truyền quan trọng nhưng nói chung nó vẫn đã và đang vận động bằng con đường tự phát là chủ yếu và trong sự “bất thường” ấy nếu được nghiêm túc nghiên cứu để lý giải và hoá giải bằng những nhận thức, chủ trương, biện pháp đúng đắn, hợp lý để làm cho các hoạt động lễ hội dân gian nơi đây có thể khắc phục được các hạn chế của nó, thật sự trở thành là những sinh hoạt văn hoá dân gian hoặc văn hoá tâm linh từng bước được “cổ điển (classique) hoá” theo cách vận dụng phương pháp tổ chức lễ hội mới nhằm nâng cao tính tự giác, tính hiện đại và tính khoa học để có thể đạt hiệu quả xã hội nhiều hơn, vừa có sức mạnh chi phối một khối lượng quần chúng đông đảo vừa là nơi tàng trữ và toả sáng các giá trị văn hoá dân tộc và hơn nữa, đó còn là một trong những trọng điểm giao tiếp văn hoá có thể góp phần tích cực vào quá trình hình thành, phát triển vùng văn hoá Nam Bộ và nền văn hoá đất nước nói chung trong giai đoạn lịch sử mới hiện nay.

Nguồn: In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Tp.HCM - Nxb Đại học Quốc gia, 2013
Huỳnh Quốc Thắng
Theo www.vanhoahoc.vn (nttung)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Nghiên cứu: “Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Huỳnh Trường Giang, Vũ Hùng Hải – Trường Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Nguyễn Hải Nam – Khoa phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.





© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->