Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (07/09/2014) ]
Phố lớn ngày xưa
Mỹ Tho - vùng đất được ghi nhận khai phá vào năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679), đời vua Lê Hy Tông(1), do công nhóm quân Dương Ngạn Địch, tướng Nhà Minh, cùng người Kinh và người bản địa (một ít dân tộc thiểu số). Tính đến nay (2009), Phố Lớn (Đại Phố) đã tròn 330 năm.

Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại trong “Đại Nam nhất thống chí” (2), vùng Phố Lớn từng là nơi nhiều lần thu hút người đến làm ăn, định cư lập nghiệp: “…nhà ngói cột chạm, chùa rộng, đình cao, tàu biển thuyền sông đi lại như mắc cửi, thật là chỗ đại đô hội. Từ loạn Tây Sơn, chỗ này từng là chiến trường bị đốt phá hầu hết. Từ năm Mậu Thân đời Trung hưng trở đi, nhân dân đã trở về dần, tuy gọi là trù mật, nhưng so với trước chưa được một nửa.”.(3) Còn Trịnh Hoài Đức miêu tả sự sầm uất và nhộn nhịp của trung tâm mua bán Mỹ Tho thời đó, qua các chợ tiêu biểu như chợ phố lớn, ông viết: “Phía nam lỵ sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự(4) rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo.” (5); chợ Lương Phú, Bến Tranh, ông miêu tả: “Cách trấn về phía đông hơn 14 dặm, quán xá đông đúc. Bánh tráng ở chợ này dày, lớn, thơm, giòn mà giá rẻ, người qua lại đây thường mua đem đi làm quà tặng nhau, có tiếng khắp xa gần. Đầu chợ phía đông có Bến Chùa, ở đó đều là những nhà bán lúa gạo, thuyền bè đi mua gạo do đó thường đậu chùm nhum ở đây, cũng gọi là một chợ lớn.”; (6) còn chợ Hưng Lợi, Vũng Gù, ông ghi lại: “Ở phía nam sông Bảo Định, phố xã liền nhau như vẩy cá. Chợ trông ra sông lớn, kẻ qua lại thường đậu thuyền ở đây đợi con nước lên rồi theo dòng nước đi xuống đông hay là lên tây, cho nên trên sông có nhiều xuồng chở bán đồ ăn…”.(7)

Vì sao Phố Lớn một thời có khả năng quy tụ được đoàn người đông đúc như vậy? - So sánh giữa ba tỉnh miền Đông thời bấy giờ, chúng ta sẽ thấy sức thu hút vùng đất này không chỉ hơn hẳn các tỉnh phía Tây sông Tiền chưa được khai phá nhiều, mà ngay cả Biên Hòa, vùng đất cận lân Gia Định cũng không thể sánh bằng. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, đời Gia Long tỉnh Định Tường có số đinh hơn 19.800 người; trong khi Biên Hòa lúc ấy có khoảng 10.600 người, Gia Định có 28.200 người. Vĩnh Long thời điểm này chỉ có 3.700 người; Hà Tiên hơn 1.500 người; An Giang không thấy nêu, chắc số dân đinh thời Gia Long ở tỉnh này chưa đáng kể.

Người xưa nói “đất lành chim đậu”, quả đúng thế. Xét phố chợ Mỹ Tho và rộng ra vùng đất Định Tường, một thời đã nổi bật ưu điểm vùng “đất phước” nên thu hút người dân kéo về đây sinh sống, lập nghiệp.

Tư tưởng phương Đông, trước khi cất nhà, định cư…, người dân cũng như triều đình thường hay xem phong thủy, nôm na là chọn cuộc đất làm ăn. Hình thế đất Định Tường nói chung, đất Mỹ Tho nói riêng được miêu tả trong “Đại Nam nhất thống chí” khá tốt trên phương diện này: “Bốn mặt đều là đồng bằng, sông ngòi tụ họp, phía tả liền tỉnh Gia Định, phía hữu tiếp hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang, ngoài giáp nước Cao Mên, phía đông nam đến biển; ruộng bằng đất tốt, dân vật dồi dào, phía trước phía sau sông cái bao bọc…[…] Một dải về phía hữu thì rừng chằm làm hào; ngoài thành sát đến bờ sông, cù lao Rồng làm án. Kênh mới sông An Định đường tiện thuyền bè. Ba Giồng phủ Kiến An là đất ưa dụng võ. Thật là đất hình thế hiểm trở.”. (8)

Trịnh Hoài Đức nói về sự hưng thịnh Mỹ Tho thời cuối thế kỉ XVIII: “Năm Nhâm Tý (1792) thời Trung hưng mới đắp đồn vuông, chu vi 998 tầm, có mở 2 cửa bên phải và trái, ở cửa có cầu treo bắc ngang, hào rộng 8 tầm, sâu 1 tầm, bốn mùa nước đều ngọt, có nhiều cá tôm, dưới cầu có dòng nhỏ để thông với sông lớn Mỹ Tho, ngoài hào có đắp lũy đất có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai, mặt trước chân lũy ra 30 tầm đến sông Lớn.”. (9)

Qua miêu tả chi tiết về thế đất Phố Lớn, ta nhận thấy một điều hết sức cơ bản: đây là vùng đất có thể khai phá được sớm nhờ đất cao Ba Giồng chạy dài tạo thành một vùng rộng lớn và một hệ thống sông rạch quá tốt, không chỉ tiện cho nông nghiệp mà còn tiện trong việc đi lại, giao dịch, lưu thông hàng hóa. Đó là trục đường sông Cửu Long từ thượng nguồn Cam-pu-chia, qua các tỉnh đồng bằng đến Định Tường ra biển lớn. Ưu thế giao thông thủy quá lớn, không thể có loại hình giao thông nào thay thế được, nhất là trong thời điểm đường bộ chưa phát triển. Theo Sơn Nam, trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, địa cuộc tốt mà binh sĩ Dương Ngạn Địch và người dân địa phương lúc bấy giờ chọn lựa để khẩn hoang phát triển là “giồng Cai Yến ăn đến vùng Ba Giồng, khởi đầu là Tân Hiệp (nay còn gọi là giồng Trấn Định) đến Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, giữa Tiền Giang và Đồng Tháp Mười.”.(10)

Mặt khác, hệ thống sông kênh rạch mang lại nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho Định Tường, từ tôm cá dưới nước, đến chim thú trên khu rừng nguyên sinh Đồng Tháp Mười (rừng chằm): “Sông sâu và rộng, nước trong và lành, tôm cá rất nhiều dùng mãi không hết.”. (11)

 
 (Bên dòng Mékong xưa. Nguồn: delcampe.net)

Nhờ những ưu điểm trên, Phố Lớn rất phong phú sản vật, thậm chí có phần vượt trội đất Gia Định. “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Phong tục cũng giống Gia Định, nhưng vật lực có hơn, cho nên cũng ham vui và thích chơi nhiều hơn. Phục sức xa xỉ cũng hơn, phụ nữ nuôi tằm, dệt cửi cũng hơn, mà nhà nông cày cấy làm ăn cũng hơn.”. (12)

Có rất nhiều chợ được ghi nhận có tầm cỡ hoạt động thương mại, giao dịch lớn thời đó. Ngoài chợ Mỹ Tho là trung tâm thương mại cả vùng Tây Nam Bộ, chợ Lương Phú, chợ Hưng Lợi, chợ Cái Bè… cũng là những chợ lớn của Mỹ Tho. “Đại Nam nhất thống chí” miêu tả sự mua bán phồn thịnh, sinh hoạt tấp nập tại các chợ này như sau: “Chợ Lương Phú, tục gọi là chợ sông Tranh, ở địa phận huyện Kiến Hưng, quán xá đông đúc… đều là những nhà bán gạo thóc cho nên thuyền gạo tụ tập ở đấy. Cũng là một loại chợ lớn…Chợ Hưng Lợi, tục gọi chợ Vũng Gù, ở phía Nam thôn An Định về phía bắc huyện Kiến Hưng, hàng quán liền nhau, chợ gần sông cái, người đi lại thường đỗ thuyền đợi nước thủy triều, cho nên trên sông có nhiều thuyền bán thức ăn…Chợ An Bình, tục gọi chợ Cái Bè, ở huyện Kiến Hòa, hàng quán đông đúc, nhiều nhà làm nghề nhuộm, nhà giàu thường chứa cau đem bán ở Sài Gòn, lái buôn hay đóng thuyền để đi buôn bán ở Cao Mên.”. (13)

Các sản vật Phố lớn cung cấp thật phong phú, đa dạng, bao gồm: hàng nông sản có gạo, nếp, đậu, khoai, bắp, mía…; hàng bông có dưa, bí, hành, tỏi, hẹ, hoa tươi…; trái cây có dừa, cau, xoài, mít, cam, quýt…; hàng thủy sản có cá, lươn, tôm, ếch, rùa, ba ba, ốc gạo, sò huyết…; gia súc, gia cầm có heo, bò, trâu; gà, vịt, ngỗng; hàng hóa có bông, vải, lụa, nhiễu, rượu…; nguyên liệu thuốc đông y có hắc hương, tử tô, hương nhu, hương phụ…

Đồn lũy và khả năng quân sự phố Lớn như miêu tả Trịnh Hoài Đức ở thời điểm bấy giờ cũng khá vững chắc và mạnh mẽ: “Trong đồn có kho gạo, kho thuốc súng, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ nghiêm túc. Mặt sông rộng lớn; năm Giáp Dần (1794) trên đồn đặt súng lớn, có bắn thử qua bờ sông bên kia, cách xa 10 dặm mà cây cành trong rừng đều bị trốc gẫy, ấy là do đường đạn đi mạnh thế.”.(14)

Nhận định thêm về vai trò kinh tế, thương mại quan trọng của đất Mỹ Tho, trong tương quan chung vùng đất Nam Kỳ Lục tỉnh (Nam Bộ), trước khi người châu Âu tới đây, LéoPold Pallu nêu khái quát nhưng cũng nhiều chi tiết hết sức cụ thể: “Các ghe thuyền của người Nhật, người Tàu, người An Nam, người Xiêm có đáy cạn dễ di chuyển trên sông, nhờ vào địa điểm gần nơi sản xuất gạo, kênh rạch lại dồn hết vào sông Tiền, thêm vào truyền thống của dân chúng địa phương từ bao thế kỉ, tất cả góp lại làm Mỹ Tho trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam Kỳ miền dưới trước khi người châu Âu tới đây.”. (15)

Một đoạn khác, nói về Phố Lớn Mỹ Tho, L. Pallu lại nhận định: “Sài Gòn dựa vào thành lũy và vị trí nằm chắn ngang các đường ra Huế, lên Cao Miên và xứ Mọi đã trở thành trung tâm quân sự và hành chính của cả sáu tỉnh. Hai trung tâm quân sự và thương mại là Sài Gòn và Mỹ Tho dựa vào nhau bằng đường thủy vận…” (16)

Thời gian qua, nguyên nhân nào khiến người dân không tập trung vào Đại Phố nữa, mà đi tìm vùng đất mới định cư? - So sánh giữa các tỉnh trong Nam Kỳ Lục tỉnh sau biến cố chiến tranh và sự tự điều chỉnh cư trú sẽ thấy, số dân Đại Phố lúc này, khoảng năm 1880, so với các tỉnh trong vùng tăng với tỉ lệ thấp hơn hết. Dường như có sự thay đổi theo chiều hướng khác: hoặc về ba tỉnh miền Tây khẩn hoang ruộng vườn, hoặc lên Gia Định, Biên Hòa theo nghề buôn bán, dịch vụ, viên chức… Theo “Đại Nam nhất thống chí”, tỉnh Định Tường, Mỹ Tho lúc bấy giờ có 22.584 người, tăng 14%; Gia Định có 32.826 người, tăng 16, 4%; Biên Hòa có 12.190 người, tăng 15%; Vĩnh Long có 28.323 người, tăng gần gấp 8 lần dân số trước đây; Hà Tiên có khoảng 5.800 người, tăng gần gấp 4 lần; An Giang có trên 15.000 người, tăng nhiều lần so với trước. Như vậy, các tỉnh Miền Tây đã có sức thu hút nhân lực mạnh mẽ từ các tỉnh Miền Đông, trong đó có Mỹ Tho, Định Tường.

Người xưa nói “chiến tranh hủy diệt tất cả”, đúng thế. Vùng đất trấn Định Tường với thế đất có các giồng cao thấp, lên xuống tiếp tục nhau, lớn nhỏ không đều, người dân có sản nghiệp là trồng được “bông vải, dâu, gai, dưa, đậu, khoai, thuốc lá, bắp…”, nên một thời cũng là nơi tranh chấp giữa các nhóm tụ nghĩa. Chính những sự tranh chấp ấy khiến vùng đất này phải chịu bao phen thăng trầm, đình đốn sản xuất, người nhà li tán. Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, có các cuộc chiến tranh sau:

Đầu tiên là cuộc binh biến năm Bính Thân, 1776, cuộc tranh chấp giữa quân Đông Sơn (đảng Đỗ Thanh Nhơn) với tướng quân Lý Tài đạo Hòa Nghĩa.

Rồi cuộc tiến công năm Đinh Dậu, 1777, quân Tây Sơn đánh binh triều Nguyễn được sự kết hợp của binh Hòa Nghĩa chung sức chống trả. Quân Tây Sơn thắng, nhưng khi Nguyễn Huệ về đất Quy Nhơn, tháng 9, thì tháng 10, Nguyễn Ánh khởi binh chiếm lại.

Cuộc chiến chống lại triều đình của quân Đông Sơn ở đất Ba Giồng năm Tân Sửu, 1781, vì oán hận vua đã giết Phương Quận Công, người đã giúp Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tháng 4 năm Mậu Tuất, 1778, lấy được Gia Định.

Nhìn chung, vào những năm cuối thế kỉ XVIII, đã có một thời chiến tranh khốc liệt trên đất Đại Phố giữa Tây Sơn Nguyễn Huệ và chúa Nguyễn Ánh khiến cho nơi này trở thành một bãi chiến trường, mọi cái đều bị phá hủy. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đổ lỗi là do “loạn Tây Sơn” (17), nên nơi đây đã “từng là chiến trường bị đốt phá hầu hết”. Sau này, từ những năm 1788, “nhân dân đã trở về dần, tuy gọi là trù mật, nhưng so với trước chưa được một nửa.”. (18)

Mặc dù cuộc chiến đã đi qua, nhưng rõ ràng, chiến tranh không chỉ hủy diệt ngay trong thời điểm diễn ra cuộc chiến, mà nó còn làm cho một số lớn người dân li tán vì nhiều lí do, cảm thấy “ngao ngán” vùng đất cũ và không bao giờ muốn trở lại quê xưa mình để tiếp tục định cư, làm ăn, sinh sống.

Thế nhưng, trước khi Pháp chiếm các tỉnh miền Đông, Mỹ Tho tuy có giảm sự đông đúc, náo nhiệt; nhưng vẫn còn xứng danh Đại Phố. Mỹ Tho lúc này vẫn giữ một vai trò trọng yếu về thương mại cho cả vùng Nam Kỳ Lục tỉnh. Chính vì lí do này, Pháp quyết tâm chiếm bằng được Mỹ Tho, sau khi đánh chiếm Sài Gòn năm 1861.

Ngoài lí do chiến tranh, sự chuyển dịch trung tâm thương mại Đại Phố về Sài Gòn trong chính sách của thực dân Pháp là nguyên nhân chính khiến Mỹ Tho không còn vai trò một Phố Lớn nữa. Việc chiếm Mỹ Tho, ngày 12/ 4/ 1861, tuy có dễ dàng ngoài dự đoán người Pháp, nhưng nó cho thấy hai điều: một là, sự e ngại của một nhóm người Pháp khi quyết định đánh chiếm Mỹ Tho, thay vì Biên Hòa, một phần vì ngại đường xa, một phần vì ngại thực lực kinh tế Đại Phố; hai là, sự ham muốn của một nhóm người Pháp khác muốn chiếm Mỹ Tho cho được, thay vì Biên Hòa, một phần vì thực lực thương mại to lớn Đại Phố lúc bấy giờ, một phần họ không che giấu tham vọng giành thuộc địa, nên muốn sớm xây dựng Sài Gòn không chỉ là trung tâm chỉ huy mạnh về quân sự mà còn cả thương mại. Điều này, khiến Mỹ Tho mất dần vai trò Đại Phố. L. Pallu đã nhận định vấn đề này khá rõ: “Kênh rạch nối liền năm con sông lớn ở Nam Kỳ tạo ra vô số đường di chuyển vô cùng hữu ích cho thương mại, cho chiến tranh mà cũng tiện lợi cho đạo tặc nữa. Mỗi thị trấn đúng ra phải là một trung tâm vừa quân sự vừa thương mại và nếu đúng như thế thì sự đánh chiếm của ta sẽ gọn gàng hơn; nhưng thật ra thì hai tính cách này tách rời hẳn nhau; Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mại.(19)”.(20)

 
 (Phố Mỹ Tho xưa. Nguồn: photo.tamtay.vn)

Ở một đoạn khác, L. Pallu nêu ý kiến vị Đề đốc thủy sư truyền đạt cho viên sĩ quan đóng tại Mỹ Tho thay mặt ông, những điều phải làm và những gì không nên làm: “Quyền lực của ông là quân binh, hành chính và chính trị. Ông đừng quên là kẻ thù còn trước mặt: vậy phải bảo trì pháo binh và bộ binh. Vùng lãnh thổ tứ giác giữa các sông Tiền Giang, Bưu Điện, Thương Mại và khúc sông Vàm Cỏ Tây là do quân ta chiếm cứ. Dân chúng sẽ được thông báo về việc thành lập lãnh thổ ta bằng một tuyên cáo. Đối với người dân lương thiện, ông áp dụng sự công minh, khoan dung và nhã nhặn. Ông chống lại cướp bóc để che chở họ. Ông không nên tìm cách tự ý bành trướng việc chinh phạt của người Pháp. Dân chúng ở phía Bắc vùng tứ giác ta nên xem như đồng minh hơn là kẻ thù. Giải hết tù về Sài Gòn. Chuyển hết thương mại về Sài Gòn. Sài Gòn phải là trung tâm thương mại duy nhất của ta. (21) (22)

Qua ý kiến trên, ta thấy được vai trò trung tâm thương mại Đại Phố mất dần từ thời điểm đó và vai trò này từng bước được người Pháp chuyển dịch về Sài Gòn. Nhất là khi tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương được thành lập nối liền Sài Gòn với Mỹ Tho tháng 7 năm 1885, sau đó là các tuyến Sài Gòn – Hà Nội, Sài Gòn – Lái Thiêu – Thủ Dầu Một – Lộc Ninh...

Khi chiếm xong Việt Nam, người Pháp cũng sớm xây dựng ở Mỹ Tho một ngôi trường, vì tính chất của vùng trung tâm thương mại và khả năng quy tụ đông dân cư của Mỹ Tho. Ngôi trường Collège de Mytho(23), được xây dựng năm 1879, có thể nói là trường công xưa nhất Nam Kỳ và Việt Nam. Nhưng khi có tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, năm 1885, rồi việc xây dựng các trường bậc trung học ở Sài Gòn, như Collège Chasseloup-Laubat, năm 1874(24), Collège de Jeunes Filles Indigèges, năm 1915(25), Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký, năm 1927(26), mới thấy vai trò trung tâm chính trị, quân sự, thương mại, văn hóa, học thuật, từng bước thuộc về Sài Gòn, Mỹ Tho chỉ còn đóng vai trò một vệ tinh.

Tôi nhớ câu ca dao “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ; Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu…”, không biết có từ lúc nào, nhưng nó khẳng định một vị trí tương đối rõ giữa Sài Gòn và Mỹ Tho thời buổi ấy. Tuy có buồn là nơi đây “ngọn tỏ, ngọn lu”, nhưng được đem so sánh với Sài Gòn, Mỹ Tho đã có một ví trí đáng kể ở thời điểm ấy, so với các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Điểm qua các bước thăng trầm của Phố Lớn để người dân nơi đây cảm thấy tự hào về sự đóng góp của Mỹ Tho trong lịch sử phát triển Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Mặt khác, việc nhận ra những thế mạnh có thế nói là truyền thống của vùng đất Mỹ Tho (Định Tường) - Tiền Giang, về nông nghiệp, thương mại dịch vụ, học vấn sẽ giúp những nhà lãnh đạo địa phương biết nắm bắt thế mạnh địa phương mà duy trì, phát triển tỉnh nhà trong sự phát triển chung của đất nước vào thời buổi hội nhập này.

Chú thích:

1. Lê Hy Tông tên huý là Duy Hợp - Duy Cáp, 1676 – 1705.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2006.

3. Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr. 128.

4. chỗ quan làm việc.

5. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr. 241.

6. Gia Định thành thông chí, sđd, tr. 242.

7. Gia Định thành thông chí, sđd, tr. 242.

8. Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr. 105.

9. Gia Định thành thông chí, sđd, tr. 241.

10. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 39.

11. Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr. 111.

12. Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr. 106.

13. Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr. 129-130.

14. Gia Định thành thông chí, sđd, tr. 241.

15. Léopold Pallu, Hoàng Phong dịch, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, Nhà xuất bản Phương Đông, 2008, tr. 39.

16. Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, sđd, tr. 39.

17. theo quan điểm triều đình nhà Nguyễn.

18. Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr. 128.

19. Chỗ in đậm có ý nhấn mạnh (HCT).

20. Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, sđd, tr. 39.

21. Chỗ in đậm có ý nhấn mạnh (HCT)”.

22. Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, sđd, tr. 157 - 158.

23. Collège de Mytho nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.

24. Collège Chasseloup-Laubat nay là Trường THPT Lê Quý Đôn.

25. Collège de Jeunes Filles Indigèges nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

26. Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Nguồn: Ấn tượng văn hoá đồng bằng Nam Bộ. NXB. CTQG, 2012

Huỳnh Công Tín
Theo www.vanhoahoc.vn (nttung)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Nghiên cứu: “Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Huỳnh Trường Giang, Vũ Hùng Hải – Trường Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Nguyễn Hải Nam – Khoa phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.





© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->