Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (07/09/2014) ]
Thành Thăng Long Thời Lê sơ
Lịch sử biến đổi cấu trúc và phạm vi kinh thành - hoàng thành - cung thành Thăng Long khá phức tạp mà hiện ít còn tư liệu văn hiến. Ví dụ như Hồng Đức bản đồ vẽ thành này rất lộn xộn. Những biên niên sử và địa chí cũng viết về thành này không tỉ mỉ. Năm 2007 tác giả báo cáo cảm thấy vinh dự được cử làm thành viên của Ban nghiên cứu thành Thăng Long dưới sự tài trọ UNESCO và cố gắng cống bố một bài sơ bộ (Yao 2007). Bài này ít có nội dung mới nhưng khá dài! Sở dĩ như vậy là vì mình phải chỉnh lý lại những học thuyết của các học giả sử học trước và phải nắm nhiều kết quả nghiên cứu mới của giới khảo cổ học.

Trong báo cáo này, người báo cáo xin tập trung 2 luận điểm liên quan đến cấu trúc hoàng thành (sau này viết tắt là HT) và cung thành thành Thăng Long. Thứ nhất là về khu phía Tây hoàng thành và cửa Tây hoàng thành. Thứ hai là về khu “Đông Trường An”, “Tây Trường An”, và cửa Nam cung thành.

I. Về khu phía Tây HT và cửa Tây HT

1. Khu phía Tây HT

Ngoài một số ngôi chùa, trong khu phía tây HT ít có di chỉ, di tích nào liên quan đến HT. Sự thực đó là lý do mà giới Khảo cổ nói chung không khẳng định sự tồn tại khu phía tây HT. Thật ra di chỉ duy nhất là khu Giảng Võ (nơi mà quân đội đóng và tập võ nghệ). Về điện Giảng Võ, các học giả Việt Nam giải thích rằng: những năm đầu đời Lê Thánh Tông, điện Giảng Võ được xây dựng trên núi Khán Sơn (gần góc tây bắc Cung thành) để cho vua duyệt binh (xem tài liệu A và B). Sau đó năm 1490, mở rộng trường đấu võ ra ngoài và điện Giảng Võ cũng dời sang khu Giảng Võ bây giờ. Thế nhưng quá trình này khá phức tập.

Lúc đầu, tức thời thuộc Minh, đã có khu Diễn Vũ (tài liệu C). Khu này có quy mô lớn, chu vị hơn 12 đặm. Cho nên chính quyền nhà Lê không thể không sửa lại và sử dụng căn cứ địa này được. Như vậy là hai khu Giảng Võ và Diễn Vũ song song với tồn tại. Có khả năng là sau đó không rõ thời điểm nào mà điện Giảng Võ trên núi Khán Sơn chuyển sang khu Giảng Võ bây giờ. Năm 1490 đã có “Cửu giảo Giao trường” (chắc chắn là trường đấu võ) (tài liệu D), cho nên tuy không rõ từ năm nào, nhưng khu Giảng Võ (vốn là Diễn Vũ xứ) đã tồn tại một cách chính quy trước năm 1490. Theo tài liệu D, năm đó liên kết thành lũy, bao vây khu phía ngoài làm “Thượng Lâm viện”. Về niên đại điện Giảng Võ dời từ Khán Sơn sang khu Giang Võ, tài liệu E viết rằng: Đào hồ Hải Trì - bên hồ xây điện Giảng Võ. Tôi tạm lấy năm 1481 làm niên đại dời điện này.

2. Cửa Tây HT

Quá trình mở rộng HT hướng về phía tây và cái hình HT trước 1490 như thế nào? Đến khi chiến cực cuối cùng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thành Đông Quan bị quân Lê Lợi bao vây (tài liệu F), trong thành quân Minh khó chịu đi kiếm củi chăn ngựa (tài liệu G). Tài liệu F viết rõ rằng thành này có bốn cửa (đông, tây, nam, bắc). Cho nên hình thành Đông Quan là hình vuông. Còn khu phía tây HT sau này vẫn giống như là rừng núi (Ở đây tôi không đề cập đến HT Thăng Long thời Lý - Trần). Như vậy là cửa Tây HT thời đầu nhà Lê ở đâu? Trong HT bách quan văn võ phải xuống kiệu hoặc ngựa ở ngoài cửa Đại Hưng Môn (cửa Nam HT). Tất nhiên, trong HT các quan phải đi bộ (tài liệu H). Còn có một tài liêu rất quan trọng mà các học giả người Việt ít quan tâm đến là tài liệu I(1). “Đãi Lậu viện” là nơi mà các quan chờ đợi mở cửa HT(2). Viện này nằm ở cửa Tây trước Lê Thánh Tông, sau đó dời sang trước cửa Đại Hưng và sau khi vua Thánh Tông băng hà mới được xây thêm. Dựa theo việc đó, tôi đoán rằng HT thời Lê Thái Tổ đến những năm đầu trị vị của Thánh Tông, hình HT là hình vuông giống như thành Đông Quan. Sở dĩ đoán được như vậy là vì nếu cửa Tây nằm ở phía tây khu phía tây HT (ví dụ gần bờ sông Tô Lịch) thì làm sao các quan đi bộ vào cung thành được! Trước năm 1490 (năm mở rộng HT hướng về phía tây) chắc chắn có cửa Tây và nằm ở phố Hùng Vương mà các học giả khảo cổ đã và đang khai quật (gần Tây Trường An). Nhưng sau khi mở rộng thêm HT về phía tây, cửa Tây HT này có lẽ bị phá bỏ và Đãi Lậu viện dời sang trước cửa Đại Hưng Môn. Việc đó là lý do mà trong bộ Hồng Đức Bản đồ (sau này viết tắt là HĐBĐ) không vẽ cửa Tây HT.

II. Đông - Tây Trường An và cửa Nam cung thành

1. Đông Trường An và Tây Trường An

Trên HĐBĐ, ở ngoài cung thành và ở trong HT, có địa danh “Đông Trường An” và “Tây Trường An”. Hai chỗ này là gì ? Tôi xin đưa ra một giả thuyết rằng tuy trên HĐBĐ không vẽ cụ thể, nhưng hai chỗ này là khu tập trung nhiều nha môn nhà nước(3). Trong bộ An Nam Chí Nguyên có phần nói về vị trí 3 ty Giao chỉ (Đô chỉ huy ty, Bố chính ty, và An sát ty) thời thuộc Minh. Dựa theo tài liệu K và L, thì 3 ty này có vị trí như sau: Đô chỉ huy ty ở phía bắc khu “Cổ Lâu Tây nhai” trong phủ thành (Giao Chỉ). Bố chính ty ở phía nam khu “Cổ Lâu Đông nhai” trong phủ thành. An sát ty ở phía bắc khu “Cổ Lâu Tây nhai” trong phủ thành. Thời thuộc Minh trong phủ thành Giao Chỉ tức thành Đông Quan có khu “Cổ Lâu Đông - Tây nhai”, ở giữa hai khu Đông - Tây có Cổ Lâu. Tôi đoán rằng hai khu này phải chăng sau đó trở thành khu Đông - Tây Trường An thời Lê sơ và Cổ Lâu chỉ Đoan Môn hoặc cửa Nam cung thành?

2. Cửa Nam cung thành

Trên HĐBĐ có vẽ cửa Nam cung thành mà không ghi tên cửa. Về tên cửa này thì những sử sách ghi khác nhau. Tài liệu M viết: “Khi các quan vào chầu và khi còn ở triều đường, lại viên các nha môn đi theo bản quan - không được như trước đây, vào bừa cả cửa Chu Tước.” Dựa theo văn chương này, tôi đoán rằng cửa Nam cung thành tên là Chu Tước Môn(4). Thế nhưng, chia cắt nội ngoại nghiêm mật hơn là cửa Đoan Môn là vì về phía bắc cửa này mới là không gian thi triều (tức Đan Trì)(5).

Đọc tài liệu O và P, chúng ta biết thứ tự khi vào Đan Trì. Đoàn bách quan phải xếp hạng theo chức tước. Bên tả (đông) là văn thần, bên hữu (tây) là võ thần. Trước hai hạng có đội vệ sĩ dẫn. Tuy trên HĐBĐ không ghi tên, nhưng hai bên Đoan Môn có cửa nữa. Dựa theo tài liệu O, tôi đoán rằng văn thần thì qua cửa Văn Minh, còn võ thần thì qua Sùng Vũ.

III. Tạm kết

Mọi người đều biết rằng tài liệu về thành Thăng Long thời Lê sơ không nhiều. Nhưng với tư cách là nhà sử học, người báo cáo chỉnh lý lại những thông tin chi tiết và tham khảo những phát hiện mới về khảo cổ để tìm hiểu cấu trúc thành Thăng Long.

 
 (Hoàng Thành Thăng Long. Nguồn: khampha.vietnam.vn)

Chú thích:

1. Có một lệ ngọai là Vũ Văn Quân (2007).

2. Ở bên Trung Quốc, Đãi Lậu viện đã có từ thời nhà Đường. “lậu” nghĩa là nước chảy nhỏ giọt”, để đo giờ.

3. Xem tài liệu J. Ít nhất trước năm 1467, Hình bộ và Đại lý tự ở trong HT.

4. Chu Tước chỉ tinh tú phía nam, phù hợp với phương hướng.

5. Sở dĩ như vậy là vì có khả năng là khu Đông - Tây Trường An kề sát vào Đoan Môn. Xin xem tài liệu N.

Tài liệu

A. Đại Nam Nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, phần Núi sông, “Khán Sơn”. Núi Khán Sơn ở lệch về phía tây bắc trong tỉnh thành, chu vị hơn 30 trượng. Đời Lê Thuần hoàng đế (tức Vua Lê Thánh Tông) thường lên núi này xem duyệt binh giảng võ, nên gọi tên núi (là Khán Sơn).

B. Đại Việt Địa dư Toàn Biên, Q.2, phần Thàng Thăng Long. Bên tây (cung thành) qua núi Khán Sơn là điện Giảng Võ.

C. An Nam Chí Nguyên, Q.2, phần Quân vệ, “Diễn vũ xứ”. (Diễn vũ xứ) ở gần phủ thành Giao chỉ, phía tây nam huyện Đong Quan. Chu vị độ 12 dặm. Bên trong có tướng đài. - Phía đông kề sát vào góc đông nam phủ thành, phía tây kề sát vào góc tây nam phủ thành. - Lại xây bức tường, mở bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc, quen gọi là Ngoại Doanh.

D. Toàn thư, Q.13, Hồng Đức năm thứ 21 (1490), tháng 11. Đắp rộng thêm Phụng thành, dựa theo quy mô thời Lý, Trần. Vua cảnh giác về việc Nhân Tông bị hại, nên lấy lính đắp thành đó. Đồng thời phía ngoài Cửu giảo Giao trường, mở rộng đến 8 dặm, sau 8 tháng thì đắp xong. Bèn dựng điện Danh Bảo lại lập vườn Thượng Lâm, trong có hươu và các thú khác.

E. Toàn thư, Q.13, Hồng Đức năm thứ 12 (1481), tháng 10 - cuối năm. Đào hồ Hải Trì. Hồ này quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện binh tượng.

F. Toàn thư, Q.10, năm Đinh Mùi (Minh Tuyên Đức năm thứ 2, 1427), tháng Giêng, ngày 13 - tháng 2, ngày mồng 7. Hạ lệnh cho Thiếu úy Lê Vấn đóng ở cửa Đông thành Đông Quan; Tư không Lê Lễ, Thiếu úy Lê Sát, Lê Lý, Lê Lỗi, Lê Chích đóng ở cửa Nam; Thiếu úy Lê Bị, Thái giám Lê Nguyễn, Chấp lệnh Lê Chửng đem ba vệ Thiết đột đóng ở cửa Tây; Thiếu úy Lê Triện, Lê Văn An đem 14 vệ quân đóng ở cửa Bắc.

G. Toàn thư, Q.10, năm Đinh Mùi (Minh Tuyên Đức năm thứ 2, 1427), tháng 11 - tháng 11, ngày 22. Quan quân vây thành gấp, quân Minh nhiều lần đánh đều thua. Bọn đi kiếm củi chăn ngựa đều bị ta bắt.

H. Toàn thư, Q.13, Hồng Đức năm thứ 16 (1485), tháng 4 nhuận, ngày 29. Định lệnh về số tiểu đồng đi theo hầu trong khi tiến triều. Kệnh quy định: Đại thần và các quan văn võ từ nay khi vào chầu, đến ngoài cửa Đại Hưng phải xuống kiệu hoặc ngựa. Nếu là công hầu, bá, phò mã thì được 2 tiểu đồng theo hầu, quan nhất phẩm được 1 người. Khi vào đến cầu Ngoạm Thiềm thì dừng lại. Ai vi phạm thì quan giữ cửa ngăn lại, tâu hặc để giao xét hỏi.

I. Toàn thư, Q.13, Hồng Đức năm thứ 28 (1497), tháng 5, ngày mồng 3 (Thánh Tông đã

mất đầu năm này). Xây Đãi Lậu viện. Trước đây, Thái Tổ làm Đãi Lậu viện ở ngoài cửa Tây. Thái Tông, Nhân Tông đều nhân theo đó. Thánh Tông làm thêm hai dãy nhà ở ngoài cửa Đại Hưng. Đến đây, đặc cách ra lệnh cho Ngũ phủ sai phái ký quân xây dựng Đãi

Lậu viện ở ngoài cửa Đại Hưng gồm 2 dãy 3 gian 2 chái.

J. Toàn thư, Q.12, Quang Thuần năm thứ 8 (1467), tháng 12, ngày Giáp Ngọ - ngày mồng 9. Dời Hình bộ và Đại lý tự ra ngoại thành.

K. An Nam Chí Nguyên, Q.2, phần Quân vệ, “Giao chỉ Đô Chỉ huy sứ ty”. (Ty này) ở phía bắc Cổ Lâu Tây nhai trong phủ thành, nguyên là nha môn Giao chỉ Bố chính ty. - Đến Vĩnh Lạc năm thứ 13, tháng 11, Quan Tổng binh Anh Quốc công Trương Phụ lại xây Bố chính ty ở phía nam Cổ Lâu Đông nhai, còn bản ty hiện tại đổi làm Đô ty.

L. An Nam Chí Nguyên, Q.2, phần Giải xá, Giao chỉ sứ đẳng Đề hình An sát ty. (Ty này) ở phía bắc Cổ Lâu Tây nhai trong phủ thành Giao chỉ.

M. Toàn thư, Q.13, Hồng Đức năm thứ 16 (1485), tháng 7, ngày 13. Ra sắc chỉ cho Lễ bộ yết bảng như sau: - 1. Khi các quan vào chầu và khi còn ở triều đường, lại viên các nha môn đi theo bản quan đến bên ngòai các cửa Đông Trường An và Nam Hưng thôi, không được như trước đây, vào bừa cả cửa Chu Tước.

N. Đại Việt Địa dư Toàn Biên, Q.2, phần Thàng Thăng Long. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An.

O. Toàn thư, Q.12, Hồng Đức năm thứ 3 (1472), tháng 10. Định triều nghi hộ vệ. Các tướng sĩ hằng ngày vào chầu, phải đứng sắp hàng bên đông tây ngoài cửa Đoan Môn; những ngày sóc vọng phải đến đợi ở ngoài cửa Văn Minh, Sùng Vũ, sau ba hồi trống thì tiến vào Đan Trì dàn bày nghi trượng, ban thứ chỉnh tề. Người nào dám cố ý vi phạm, làm mất hàng ngũ, sau ba hồi trống vẫn chưa chỉnh tề thì các vệ Cẩm y và Kim ngõ bắt giữ xin trị tội.

P. Toàn thư, Q.13, Hồng Đức năm thứ 16 (1485), tháng 8, ngày mồng 3. Định nghi thức vào chầu cho các quan. Nghi thức như sau: Kể từ nay, vào ngày phiên chầu, hồi trống thứ nhất, quan hộ vệ theo thứ tự tiến vào Đan Trì, hồi trống thứ hai, các quan theo thứ tự tiến vào Đan Trì, không được đường đột tranh đi trước, chen lấn lộn xộn, Sau khi trống đã đánh hồi thứ ba mà còn ở ngoài cửa Chu Tước và sau khi chuông đã đánh quá 50 tiếng rồi mà còn ở bên tả, bên hữu cửa Đoan Môn, thì quan coi cửa ngăn lại hết, ty Xá nhân vệ Cẩm y hặc tâu lên để trừng trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Văn Ninh, 2004, Những hiểu biết mới về thành Thăng Long, Khảo cổ học (KCH) số 130, trang 21-35.

2. Hà Văn Tấn, 2000, Khảo cổ học với Thăng Long, KCH số 3-2000, trang 3-8.

3. Hoàng Đình Long, 2007, Thành cổ Đại La - Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.

4. Nguyễn Ngọc Phúc & Phạm Đức Anh, nd., Tóm tắt báo cáo Kết quả khảo sát khư vực phía tây thành Thăng Long, Bài báo cáo Chương trình nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, 15 trang.

5. Nguyễn Quang Ngọc, 2006, Thăng Long thời Lý - Trần - Lê dưới ánh sáng của các nguồn tư liệu mới, KCH số 139, trang 28-34.

6. Phạm Như Hồ et al, 2000, Khai quật di chỉ khảo cổ học Lý - Trần 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, KCH số 3-2000, trang 74-93.

7. Phan Huy Lê, 2006, Vị trí khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trong cấu thành Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, KCH số 139, trang 5-27.

8. Phan Huy Lê, 2007, Càng nghiên cứu càng nhận thức sâu sắc hơn giá trị khu di tích Hoàng thành Thănh Long tại 18 Hòang Diệu, KCH số 145, trang 54-57.

9. Tống Trung Tín, 2004, Kết quả thăm dò khảo cổ học Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu, 62-64 Trần Phú và vấn đề vị trí, quy mô của Hòang thành Thănh Long thời Lý - Trần - Lê, KCH số 130, trang 10-20.

10. Tống Trung Tín et al, 2000, Khai quật địa điểm Đoan Môn (Hà Nội) năm 1999, KCH số 3-2000, trang 11-32.

11. Tống Trung Tín et al, 2006, Khai quật thăm dò địa điểm 62-64 Trần Phú - Hà Nội, KCH số 139, trang 43-51.

12. Trần Quốc Vượng, 2004, Lại bàn về vị thế Hoàng thành Thăng Long, KCH số 140, trang 5-9.

13. Trần Quốc Vượng, 2006, Thăng Long - Tìm tòi và Suy ngẫm, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin & Viện Văn hóa, 305 trang.

14. Vũ Đường Luân, nd., Báo cáo kết quả điều tra khảo sát khư vực phía đông thành Thăng Long - Hà Nội, Bài báo cáo Chương trình nghiên cứu Hòang thành Thăng Long, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, 9 trang.

15. Vũ Văn Quân (chủ biên), 2007, Thăng Long, Hà Nội: Một nghình Sự kiện Lịch sử, Hà Nội: Nhà xuất bản Hà Nội, 580 trang.

16. Yao Takao, 2007, Sơ thảo nghiên cứu thành Thăng Long thời Lê sơ, Học báo Châu Á (ĐHQG Hiroshima) số 12 (bằng tiếng Nhật), trang 54-75.

Nguồn: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, ngày 4-7 tháng 12 năm 2008.


Yao Takao
Theo www.vanhoahoc.vn (nttung)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Nghiên cứu: “Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Huỳnh Trường Giang, Vũ Hùng Hải – Trường Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Nguyễn Hải Nam – Khoa phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.





© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->