Siêng thể dục, ăn uống tốt... giúp ổn định huyết áp, tăng cường sức khỏe - Ảnh: Shutterstock
Bớt muối. Hạn chế sodium (chất trong muối) giúp kiểm soát huyết áp cao ở những người mắc chứng này và có tác dụng ngăn ngừa ở những người khỏe mạnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày nạp không quá 2.000 mg sodium hoặc 5 gr muối (tương đương 1 muỗng cà phê). Nên lưu ý các thực phẩm chế biến và đóng gói, thức ăn nhanh và các loại thực phẩm đóng hộp, vốn thường chứa rất nhiều muối.
Bổ sung kali. Khoáng chất này giúp giảm huyết áp. Lượng khuyến cáo ở người lớn là 3.510 mg/ngày. Các loại thực phẩm giàu kali gồm các loại đậu và đậu Hà Lan (khoảng 1.300 mg kali/ 100 gr), các loại hạt (khoảng 600 mg/100 gr), các loại rau như cải bó xôi, cải bắp và cần tây (khoảng 550 mg/100 gr) và trái cây như chuối, đu đủ và chà là (khoảng 300 mg/100 gr).
Điều chỉnh chế độ ăn uống. Thường xuyên dùng trái cây và rau quả để bổ sung chất xơ cho cơ thể; đồng thời giảm thực phẩm chế biến sẵn. Hạn chế các loại nước sốt, dưa chua, khoai tây chiên... Trái cây và rau củ có hàm lượng sodium thấp và kali cao giúp giảm huyết áp. Giảm thực phẩm béo và chiên, đặc biệt là chất béo bão hòa và thay thế chúng bằng chất béo không bão hòa.
Kiểm tra cân nặng. Huyết áp có xu hướng tăng khi bạn lên cân. Cứ mỗi 5 kg trọng lượng dư thừa bị mất có thể làm giảm huyết áp tâm thu từ 2 - 10 điểm. Điểm thú vị là huyết áp cũng có xu hướng giảm khi cân nặng giảm.
Tập thể dục. Các tình huống căng thẳng có thể khiến huyết áp tăng, do đó vận động cơ thể sẽ giúp bạn ngăn chặn hoặc kiểm soát huyết áp cao. Ngủ đủ giấc, hít thở sâu, thiền, yoga và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Một số hoạt động thể chất vừa phải là đi bộ nhanh, đạp xe, làm vườn, dọn dẹp nhà cửa...
Hạn chế rượu bia. Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp. Do đó, bạn cần hạn chế lượng chất cồn nạp vào cơ thể. Tốt nhất là bỏ hẳn. |