Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện của Hà Nội và Hòa Bình, một số trường Đại học, Cao đẳng, Trung học cơ sở tại Hà Nội, nghệ nhân ở Hà Nội và Hòa Bình…
Đây là Dự án thí điểm của UNESCO thực hiện ở 4 nước: Việt Nam, Palau, Pakistan và Uzebekistan, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO. Dự án tại Việt Nam được giao cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn phòng UNESCO Hà Nội triển khai từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 6 năm 2014. Dự án đã thực hiện thành công, được UNESCO đánh giá cao cách thức triển khai của Việt Nam. Tại Hội thảo, những người trực tiếp thực hiện Dự án đã báo cáo về tính khả thi trong việc dạy các bài học chính khóa thông qua việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thuận lợi của Dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, triển khai và xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn tới.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu tại Hội thảo đều đề cao tính khả thi của phương pháp dạy học trên và mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai việc dạy các môn học chính khóa thông qua việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: Bộ sẽ huy động các nguồn lực để triển khai phương pháp dạy học thông qua di sản văn hóa phi vật thể; tiếp tục tăng cường kiến thức về lĩnh vực này cho các nhà quản lý và giáo viên; ngoài phương thức tập huấn tập trung sẽ triển khai tập huấn qua mạng Internet; kiến nghị với các trường sư phạm đưa phương pháp này dạy cho sinh viên. |