Hạn chế ăn uống bên ngoài, nhất là tại các cửa hàng thức ăn nhanh, sẽ tốt hơn cho sức khỏe - Ảnh: T.T.D.
PGS Khuê nhấn mạnh:
- Tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh và nếu không có hành động kịp thời sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
* Xin PGS cho biết những yếu tố góp phần làm số người mắc bệnh đái tháo đường tăng nhanh trong những năm gần đây?
- Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng tỉ lệ bệnh đái tháo đường, kinh điển nhất là sự chuyển dịch quá nhanh về kinh tế, nhiều miền quê đã trở thành đô thị. Bên cạnh đó là sự thay đổi nếp sống, không còn lành mạnh như trước. Hãy xem những con số thống kê thành phần rau, tinh bột, mỡ, thịt trong bữa ăn hiện nay. Một khuynh hướng đang diễn ra với nhiều người là ai cũng bận bịu nên ít tự nấu ăn và có thói quen dùng thức ăn nấu sẵn tại cửa hàng. Thức ăn nấu sẵn thường không đủ lượng chất xơ (rau, củ) lại nhiều tinh bột, nhiều thịt, nhất là nhiều dầu mỡ.
Sự chuyển dịch về kinh tế cũng làm cách sống thay đổi, người ta ít vận động thể lực hơn trước, người lớn đi xe hơi, xe máy, ngồi văn phòng nhiều... Trẻ em sử dụng máy vi tính thay cho các trò chơi thời trước như đuổi bắt, nhảy dây... Sự phát triển không đồng bộ tại đô thị cũng đưa đến tình trạng thiếu khoảng không gian thư giãn (thí dụ không đủ số công viên so với khu dân cư). Ngoài ra, trẻ em béo phì sẽ trở thành người trưởng thành béo phì, mà béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh đái tháo đường.
Môi trường thay đổi, mức sống thay đổi, đời sống căng thẳng hơn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng các bệnh mãn tính, trong đó có bệnh đái tháo đường. Chưa kể người ta còn đang nghiên cứu về những yếu tố khác như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn, những độc chất trong thức ăn, vật nuôi, cây trồng, rượu, thuốc lá, gen nhạy cảm...
* Nếu là gen nhạy cảm thì trước đây cũng phải có nhiều người mắc căn bệnh này?
- Sự thay đổi của gen để thích ứng với sự thay đổi môi trường cần rất nhiều năm, nếu môi trường thay đổi quá nhanh gen không thích ứng kịp. Một người có gen nhạy cảm với bệnh đái tháo đường nếu ăn uống nhiều chất xơ, vận động nhiều có thể bệnh sẽ không xuất hiện, nhưng nếu ăn nhiều chất bột đường, chất béo và rất ít vận động thể lực khả năng xuất hiện bệnh sẽ rất cao.
* Khi còn nhỏ nhiều người ăn uống thiếu thốn, đến khi lớn lên có điều kiện lại ăn uống thừa chất. Đó có phải là một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường?
-Tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là suy dinh dưỡng trong bào thai sau đó có sự thay đổi đột ngột sang chế độ ăn thừa năng lượng, ít vận động là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp... Chế độ ăn uống lành mạnh nên duy trì từ nhỏ đến lớn. Ở đây vai trò cha mẹ rất quan trọng, cha mẹ phải hiểu chuyện, giáo dục, tập cho trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh, luyện tập từ nhỏ. Cụ thể cho trẻ ăn nhiều chất xơ, nhiều rau xanh, ít chất béo, ít mặn, không uống nước ngọt có ga, nên nấu ăn tại nhà, giảm đến mức tối đa thói quen ăn uống tại nhà hàng, nhất là các nhà hàng bán thức ăn nhanh. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, trẻ cần được vận động nhiều để phòng các bệnh mãn tính không lây. Phải hành động từ khi trẻ còn nhỏ.
* Với người lớn, cách phòng ngừa hữu hiệu căn bệnh này?
- Là ăn uống và vận động hợp lý. Luyện tập ít nhất mỗi ngày 30 phút (ngoài công việc làm hằng ngày), đơn giản và dễ thực hiện nhất là đi bộ mỗi ngày 30 phút. Nếu không có thời gian đi bộ liên tục, nên chia thành nhiều lần luyện tập trong ngày, thí dụ đi bộ 10-15 phút sau khi ăn. Nếu đau khớp không đi bộ được thì chọn các loại hình luyện tập phù hợp với sức khỏe, theo lời khuyên của bác sĩ. Dù chưa mắc bệnh cũng không nên ăn nhiều đường, nhiều muối, nhiều chất béo, nên tăng cường ăn rau, chất xơ, ngưng hút thuốc, ngủ đủ giấc (6-8 giờ mỗi ngày), hạn chế rượu bia. Xem bản tin gốc tại đây |