Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (30/04/2014) ]
Cầu toàn quá… hóa bệnh
Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, tức là hướng bản thân tới những tiêu chuẩn cao trong công việc và cuộc sống gia đình, là điều đáng khen ngợi. Nhưng nghiên cứu cho thấy điều đó cũng có mặt trái – không chỉ tạo áp lực tâm lý buộc bản thân phải thật hoàn hảo, mà còn có hại đến thể chất, dẫn tới các bệnh như mất ngủ, đau tim, căng thẳng tinh thần, thậm chí chết sớm.

Ứơc tính có khoảng 20% dân số thế giới thể hiện bản thân là một người cầu toàn – theo báo Daily Mail. “Mong muốn trở thành một người hoàn hảo trong một lĩnh vực cuộc sống, chẳng hạn như công việc, là điều rất tự nhiên. Nhưng khi bạn bị ám ảnh là phải hoàn hảo trong mọi khía cạnh gồm công việc, con cái, các mối quan hệ, tài chính và ngoại hình thì nó sẽ làm bạn rất căng thẳng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe” – Giáo sư tâm lý Gordon Flett tại Đại học York (Canada) cho biết.

Dễ ngã bệnh nhưng chậm phục hồi

Giáo sư Flett và đồng nghiệp nhận diện 3 loại người cầu toàn. Thứ nhất là “cầu toàn hướng tới bản thân” – nhắm đến tiêu chuẩn hoàn hảo của riêng mình; thứ hai là “cầu toàn hướng tới người khác” – đặt ra tiêu chuẩn cho những người xung quanh; và “cầu toàn theo tiêu chuẩn xã hội” – những người tin rằng người khác (như cha mẹ, ông chủ hoặc đồng nghiệp) muốn họ phải hoàn hảo.

Các chuyên gia ở Đại học Auckland (New Zealand) sau khi theo dõi 640 người bị ngộ độc thực phẩm đã phát hiện, hầu hết bệnh nhân bị biến chứng sang hội chứng ruột kích thích (IBS) đều là người có khuynh hướng cầu toàn. Trong khi đó, nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý Danielle Molnar tại Đại học Brock (Canada) cho thấy những người “cầu toàn theo tiêu chuẩn xã hội” dễ bị bệnh hơn cả. Sau khi yêu cầu 500 người tuổi từ 24-35 trả lời bảng câu hỏi để phân loại khuynh hướng cầu toàn và phân tích dữ liệu sức khỏe, các chuyên gia nhận thấy nhóm “cầu toàn theo tiêu chuẩn xã hội” có sức khỏe kém, hay đau ốm và lâu khỏi bệnh hơn người khác. Đáng lo ngại hơn, việc luôn cố gắng làm tốt mọi việc còn làm tăng nguy cơ chết sớm. Trong nghiên cứu kéo dài 6 năm, các chuyên gia tại Đại học Tây Trinity (Canada) theo dõi 450 người tuổi từ 65 trở lên và ghi nhận nhóm người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ chết sớm cao hơn 51% so với nhóm đối chứng.

Về sức khỏe tâm thần, người cầu toàn cũng yếu ớt hơn người khác. Nhằm so sánh tác động của các tình huống gây stress lên cơ thể những người luôn hướng tới sự hoàn hảo và người bình thường, các chuyên gia tại Đại học Tehran (Iran) giao họ thực hiện bài kiểm tra trí tuệ trong một thời gian nhất định. Thông thường khi bị stress, tuyến thượng thận tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh làm tăng nhịp tim, huyết áp, nhịp thở…những phản ứng cho thấy cơ thể sẵn sàng đương đầu hoặc né tránh stress. Nghiên cứu phát hiện ở người bình thường, tình trạng này diễn ra rất nhanh và cơ thể họ mau chóng trở lại trạng thái bình thường, nhưng ở nhóm người cầu toàn, phản ứng stress kéo dài hơn. Giáo sư tâm lý Stephen Palmer tại Đại học Middlesex (Anh) cho biết nếu phản ứng stress kéo dài, cơ thể sẽ luôn đương đầu với áp lực, khiến hệ miễn dịch, tiêu hóa, tim mạch… cũng bị ảnh hưởng. Điều này không tốt với người cầu toàn, thường là trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư, biên tập viên và những người làm các nghề đòi hỏi tính chính xác cao.

Người cầu toàn bảo vệ sức khỏe bằng cách nào?

Từ những nghiên cứu trên, các chuyên gia cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo nên được xem là một yếu tố nguy cơ bệnh tật giống như béo phì và hút thuốc lá. “Chúng ta luôn đề cao chủ nghĩa hoàn hảo và những lợi ích của nó trong thành tích học hành và nghề nghiệp, nhưng nó là yếu tố có liên quan đến bệnh tật, nên tôi nghĩ rằng các bác sĩ cần xem nó như một phần sức khỏe bệnh nhân về lâu dài” – theo Tiến sĩ Molnar.

Lý giải tại sao người cầu toàn hay đau ốm, Tiến sĩ Molnar cho biết đó là do họ quá tin vào khả năng của bản thân và hiếm khi nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. “Sự hỗ trợ của xã hội và cộng đồng đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu là có tác dụng giúp người ta bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, nhưng người cầu toàn thì thiếu mất điều này”, bà Molnar nói thêm.

Theo Giáo sư Flett, “hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân và thỉnh thoảng chấp nhận thất bại như một phần thiết yếu trên con đường dẫn tới thành công” là cách giúp người cầu toàn giảm bớt những tác động tiêu cực đối với sức khỏe, nhất là những khi lâm bệnh. Ông cho biết người “cầu toàn hướng tới bản thân” với mức độ vừa phải thường là những bệnh nhân tốt, bởi họ vừa biết nghe theo lời khuyên của bác sĩ vừa áp dụng chủ nghĩa hoàn hảo vào việc chăm sóc bản thân. Chẳng hạn trong nghiên cứu của Đại học Tây Trinity đối với 385 bệnh nhân tiểu đường típ 2, các chuyên gia nhận thấy những bệnh nhân có khuynh hướng cầu toàn giám sát rất kỹ đường huyết của mình và tuân thủ nghiêm chế độ ăn uống, nhờ đó giảm nguy cơ biến chứng và tỷ lệ chết sớm.

Thanh Trúc
Theo Báo Cần thơ (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Nghiên cứu: “Bổ sung POLYSACCHARIDES chiết xuất từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Huỳnh Trường Giang, Vũ Hùng Hải – Trường Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ; Trần Nguyễn Hải Nam – Khoa phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.





© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->