Cơ khí [ Đăng ngày (18/10/2013) ]
Thám hiểm biển sâu bằng tàu lặn Cyclops
Con người chuẩn bị đạt đến độ sâu mới dưới đáy đại dương, với sự xuất hiện của tàu lặn Cyclops có tầm hoạt động 3.000 m trong lòng biển.

Tàu lặn Cyclops dựa trên thiết kế của Đại học Washington - Ảnh: OceanGate

Được đặt tên theo người khổng lồ một mắt trong thần thoại Hy Lạp, tàu lặn thế hệ mới Cyclops được thiết kế để đạt đến độ sâu 3.000 m so với mặt nước biển, sâu hơn hầu hết các dòng tàu lặn hiện đại nhất. Theo Công ty OceanGate tại Washington, con tàu có hình dạng viên đạn, làm từ sợi carbon sẽ sẵn sàng trình làng vào năm 2016. Nhìn chung, Cyclops có kích thước khá nhỏ nhắn nếu so với gã khổng lồ cùng tên trong truyền thuyết. Nó dài 5,5 m, rộng 3,4 m, cao 2 m, với tổng trọng lượng 8.618 kg trên đất liền, “thon thả” hơn hẳn các tàu lặn khác nhờ công nghệ ma trận sợi carbon do Boeing phát triển.

Hiện chỉ có vài thiết bị đủ sức đưa con người đến những nơi tối tăm hơn trong lòng đại dương. Alvin, tàu ngầm lặn sâu nhất của Mỹ, có thể đạt đến độ sâu tối đa là 4.500 m, và sau khi quá trình đại tu hoàn tất, nó hứa hẹn sẽ xuống được điểm cách mặt nước biển khoảng 6.500 m. Tất nhiên trong số này cũng phải kể đến tàu ngầm của đạo diễn mê thám hiểm James Cameron, tàu Deepsea Challenger, vốn mất 7 năm và khoảng 8 triệu USD cho công tác thiết kế và đóng mới. Nhờ chiếc tàu này, nhà làm phim Hollywood đã lập kỷ lục trở thành người lặn một mình sâu nhất thế giới, khi chạm đáy rãnh Mariana ở Thái Bình Dương, với độ sâu gần 11.000 m so với mặt nước biển, vào tháng 3.2012. Ông Cameron gần đầy đã tặng lại chiếc tàu trên cho Viện Hải dương học Woods Hole tại Massachusetts.

Trang tin Gizmodo dẫn lời Stockton Rush, CEO của Công ty OceanGate chuyên cho thuê tàu lặn, cho hay hiện có khoảng 600 tàu ngầm quân sự trên toàn thế giới, những chỉ có trên dưới 100 tàu lặn dân sự được đăng ký. Và các nhà phát triển dự án Cyclops cho hay các tàu lặn biển sâu thường không dành cho mục tiêu thương mại hoặc nghiên cứu. OceanGate đã chi 5 triệu USD cho Đại học Washington để chế tạo Cyclops, và đội ngũ chuyên gia vừa hé lộ thiết kế về dòng tàu ngầm tương lai này. Lý do đặt tên gã khổng lồ một mắt là do nó có vòm kính rộng 1,5 m ở phía trước, tạo tầm nhìn 180 độ cho hành khách. Vỏ tàu chỉ dày 17 cm nhờ vào cấu trúc sợi carbon, nhưng chịu được áp lực nước đến 4.300 psi (ở độ sâu 3.000 m). Bên cạnh đó, pin lithium-polymer có thể hoạt động trong 8 giờ, nhưng Cyclops vẫn có thể cung cấp đến 96 giờ hỗ trợ sự sống trong điều kiện nguy hiểm.

Phía OceanGate hy vọng sẽ cung cấp dịch vụ Cyclops cho nhiều dạng khách hàng khác nhau, bao gồm các công ty dầu khí, khai khoáng, nghiên cứu dược phẩm, các học gia nghiên cứu và thậm chí khách du lịch bình thường. “Để vận hành tàu một cách kinh tế, bạn cần phải đủ sức phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau nhằm giảm chi phí”, CEO Rush cho hay. OceanGate hiện sở hữu và cho thuê nhiều tàu lặn khác nhau, bao gồm tàu Antipodes sức chở 5 người, lặn tối đa 305 m. Các nhà nghiên cứu vừa dùng tàu lặn này để nghiên cứu vùng biển ngoài khơi Fort Lauderdale, Florida, và phát hiện một loài cá sư tử đã định cư ở những phần sâu hơn của đại dương so với ước tính trước đây.

Nếu độ sâu 3.000 m vẫn chưa đủ thỏa mãn những người mê đại dương, tin vui là các chuyên gia cũng đang cân nhắc khả năng chế tạo phiên bản 6.000 m, theo Gizmag.

Hạo Nhiên
Theo Thanh Niên (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu xử lý bùn thải sinh học từ hệ thống xử lý nước thải cơ sở giết mổ gia súc thành sinh khối nuôi giun quế (Perionyx Excavatus)
Giun quế hay còn gọi là giun đỏ được nuôi và sản xuất thương mại ở nhiều địa phương. Trong nông nghiệp, giun quế được xem là loại thức ăn sạch, giàu đạm bổ sung dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, phân giun quế cũng được đánh giá là một chế phẩm phân hữu cơ sinh học rất tốt cho nhiều loại cây trồng, sử dụng thay thế phân vô cơ, như giải pháp để sản xuất các loại rau sạch, an toàn. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các trang trại chăn nuôi thường tận dụng phân gia súc, gia cầm kết hợp với rơm rạ hoặc rác thải sinh hoạt để nuôi giun quế. Nuôi giun qué bằng phân tươi của động vật có thể gây ra các vấn đề liên quan an toàn vệ sinh và ô nhiễm môi trường.




Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->