Ông Quynh bên Máy tách hạt ngô |
Tại Chợ Công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam (Techmart 2012), ông Quynh cũng đã chinh phục được khách đến thăm quan bằng hoàng loạt máy móc do ông nhiều năm tự mày mò, nghiên cứu.
Không ngừng sáng tạo
Tại gian trưng bày của ông Quynh gồm la liệt các sản phẩm máy móc, vương vãi xung quanh là các lát ngô, sắn đã được thái mỏng, vỏ lon bia đã bị dập nát bẹp dúm. Ông nhiệt tình giới thiệu cho khách thăm quan về chức năng, công dụng của những chiếc máy tự tay ông sáng chế.
Đầu tiên là chiếc máy tách hạt ngô năng suất tách đạt 5 tạ hạt/giờ nhưng nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Khi trục chính quay, trái ngô quay theo, ở thanh trượt dẫn hướng có bộ phận điều chỉnh để tách hạt. Hạt theo máng dẫn, rồi theo thanh trượt ra ngoài. Ông Quynh cho biết, vào vụ thu hoạch ngô năm 2004, thấy bà con nông dân phải lấy tay tách vỏ hết sức khổ cực lại tốn nhiều thời gian, ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy tách hạt ngô.
Hồi đầu, ông cứ tự mình xì xoẹt hàn, gò, cắt rồi kéo máy đi khắp đầu làng cuối xóm xin người ta cho tách thử. Suốt 3 năm (tức là 6 vụ bắp), bà con nông dân đã quen với hình ảnh người đàn ông gầy gò đi tách hạt ngô không công. Đến năm 2007, máy tách hạt ngô mới được hoàn thiện. Năng suất tách đạt gần 5 tạ hạt/giờ (gấp 20 lần sức người tách thủ công). Máy cao 0,75m, dài 0,6m, rộng 0,4m và nặng 45kg. Đến nay, chiếc máy tuốt ngô của ông Quynh không chỉ phục vụ nông dân Quảng Trị mà còn đến với nông dân ở Huế, Quảng Bình, Kon Tum, Lạng Sơn...
Bên cạnh chiếc máy tẽ ngô là chiếc máy bóc vỏ và hạt dành dành. Chiếc máy nhỏ gọn, kết cấu đơn giản, có trọng lượng chỉ khoảng 30kg bao gồm một mô tơ 1,5KW, một máng và một trục quay được làm từ thép không gỉ . Ông Quynh cho hay, khi cắm điện, động cơ chạy truyền chuyển động qua dây cuaroa làm trục máy quay. Khi nguyên liệu được đưa vào máng, máy sẽ thực hiện cùng một lúc hai cộng đoạn là bóc vỏ và tách hạt. Vỏ và hạt sẽ theo máng ra ngoài. Sau đó, ông còn tiếp tục làm máy tuốt lạc, máy xay xát và máy cắt đa năng (có thể cắt sắn, khoai, chuối... thành từng lát). “Tui mần mấy cái sau nhanh hơn cái trước. Dù tính năng khác nhau nhưng nguyên lý hoạt động không khác nhau là mấy. Tui cứ áng áng rứa mà mần thôi...” ông nói.

Giàn nâng chống ngập lụt cho máy ATM
Chỉ vào giàn nâng chống ngập lụt cho máy ATM và máy ép dập vỏ lon bia, ông Văn Đức Quynh cho biết, đây là hai thiết bị mới của ông, vừa được chế tạo năm 2012. Máy ép dập vỏ lon bia có năng suất bằng 30 lao động thủ công dùng búa đập bằng tay. Đặc biệt, thiết bị nâng hạ máy ATM được ông tự hào giới thiệu là sản phẩm đặt hàng của Ngân hàng NN&PTNT tỉnh với giá mỗi máy 12 triệu đồng. Ưu điểm của máy là tuyệt đối an toàn cho người khi vận hành, giảm hao phí bảo hành sửa chữa. Máy vận hành chỉ cần một người quay máy nên tiết kiệm được nhân công lao động. “Ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, nếu không được nâng lên kịp thời sẽ làm hỏng các cây rút tiền tự động. Khi nước dâng lên, người bảo vệ chỉ cần sử dụng tay quay điều khiển cho máy ATM lên cao. Khi nước xuống lại quay trục trả lại như ban đầu” ông Quynh nói.
Còn nhiều trăn trở
Điều đáng nói là ông Quynh chưa từng học qua một trường nghề lớp thợ nào ngoài trình độ văn hóa 7/12. Nhờ ý chí vượt khó, sự thông minh, khéo léo, sự đam mê, khả năng sáng tạo tiềm tàng của một người nông dân nơi đất cằn sỏi đá khiến ông đau đáu làm sao có thể giúp dân nghèo đỡ cực khổ đã đưa ông Quynh tìm đến với nghề cơ khí, để hôm nay ông có trong tay nhiều máy móc phục vụ đắc lực cho sản xuất.
Nói về cái duyên của mình với máy móc, ông bảo: “Chừ bà con hễ thiếu cái gì thì họ lại đến méc tui, tui sẽ về suy nghĩ và mày mò sáng chế làm ra cái máy họ muốn. Máy làm ra rồi, tui đem đi thử, thấy cái chi chưa được hoặc thiếu là tui tháo ra mần lại... Khi mô bà con ưng thì tui ưng. Nhưng có mấy cái khó quá, tui cũng phải nợ lại đó với bà con”.
Nhằm hạ thấp giá thành sản phẩm, ông còn tận dụng triệt để những đồ dùng bỏ đi như bánh quay máy nổ, tăm xe, ống tuýp xe đạp và những phế liệu chiến tranh như vỏ đạn, thanh sắt… còn vương vãi nhiều trên dải đất năm xưa từng là chiến trường ác liệt để thiết kế, chế tạo máy móc. Với ông, chỉ cần đam mê, kiên trì, chịu khó học hỏi là thành công. Điều ông mong mỏi là làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất kinh phí chế tạo cũng như độ phức tạp trên từng chi tiết máy móc, thiết bị để người dân ai cũng mua được và dễ dàng sử dụng. “Chiếc máy nào tôi cũng tháo ra lắp vào hàng chục lần, không phải vì máy không hoạt động được mà cái chính là mình nghiên cứu làm sao cho máy vừa đạt năng suất cao vừa gọn nhẹ, ít tốn công, tốn sức, đồng thời giảm được hao phí điện năng, xăng dầu…để bà con đón nhận sản phẩm” ông Quynh tâm sự.
Hiện nay, điều ông Quynh trăn trở là sản phẩm của mình tại các công ty, đại lý kinh doanh vẫn khó tiêu thụ bởi người dân vẫn thích tìm về tận nhà để mua máy hơn. Vì đến đây, họ được ông chỉ cặn kẽ cách sử dụng còn ở các cửa hàng, đại lý, do sản phẩm còn mới lạ nên các chủ bán không tư vấn được mấy cho bà con. Bên cạnh đó, máy móc hư hỏng đại lý cũng không sửa được. Ngoài ra, tâm lý của bà con nông dân nếu được mùa, được giá thì bà con còn nghĩ đến việc mua máy móc chứ mất mùa, rớt giá thì cũng chẳng mấy ai ngó ngàng đến máy móc.
Với những thành tích xuất sắc trong phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật, từ năm 2006 đến 2010, ông Văn Đức Quynh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị…tặng nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu điển hình tiên tiến. Ông Quynh cho biết, tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị và Techmart các năm ông cũng nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ doanh nghiệp và nông dân các tỉnh trong cả nước.
Nói về những người nông dân sáng tạo của địa phương mình, ông Lưu Văn A, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học – Thông tin KH&CN (Sở KHCN tỉnh Quảng Trị) cho biết, những sáng chế của nông dân được ra đời một cách tự phát, nhưng vô cùng hiệu quả và hữu ích. Họ là những người thực sự tâm huyết với sáng tạo, với khoa học và nhất là tâm huyết với cuộc sống, thật sự đồng hành với cuộc mưu sinh vất vả của người nông dân. Quảng Trị còn rất nghèo, nhưng UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư rất sát sao cho việc chuyển giao ứng dụng KHCN.
|