Môi trường [ Đăng ngày (27/06/2012) ]
Thùng rác "n trong 1"
Bùi Hoàng Việt, Lê Thị Thanh Tuyền, Trần Hà Danh đến từ Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM là nhóm tác giả Dự án “Thùng rác công cộng đa năng” đoạt Giải Ba Holcim Prize và Giải Khuyến khích ý tưởng sáng tạo trẻ thành phố.

Dự án được đánh giá cao về tính ứng dụng trong Dự án “Phân loại rác tại nguồn” của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Là những sinh viên năm cuối say mê tìm hiểu về môi trường, muốn làm một dự án để lại dấu ấn trước khi ra trường cộng với những bức xúc về thực trạng thùng rác công cộng ở thành phố còn nhiều bất cập chính là động lực giúp nhóm quyết tâm theo đuổi dự án, bắt đầu từ ý tưởng về một thùng rác “n trong 1” tích hợp và thân thiện với người dùng.

Mô hình là thùng rác làm bằng tôn, kích thước 60 x 110cm, có mái dù che nắng mưa, xung quanh là bảng thông tin bảo vệ môi trường dạng thức 3D và có trục xoay tự động 360 độ bằng cơ, không tốn nhiên liệu. 

Nét nổi trội của thùng rác đa năng là bảng thông tin với màu sắc sinh động, bắt mắt, cách hướng dẫn phân loại rác, mẹo vặt bảo vệ môi trường nhằm đánh mạnh vào nhận thức của người sử dụng.

Thùng rác được thiết kế nhiều ngăn, học hỏi cách làm của một số nước có công nghệ tiên tiến như Pháp, Úc, Mỹ về công thức 3R+1W, tức Reduce, Reuse, Recycle (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) và căn cứ thực tế rác thải ở Việt Nam nên gắn thêm khoang chứa nước ở bên dưới. 

Thùng rác có tên gọi đa năng bởi cùng lúc đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ: phân loại rác, cánh quạt ép rác nén chặt lượng rác rỗng nhằm tăng thể tích chứa của thùng, thông tin tuyên truyền... Để tiết kiệm nhiên liệu, nhóm sử dụng một trục lò xo ở giữa xoay bằng cần gạt, chức năng ép rác dựa vào lực gạt cần của người sử dụng.

Là những sinh viên học ngành xã hội nên khâu khó nhất vẫn là kỹ thuật, cả nhóm đã mày mò tìm hiểu, học hỏi từ các trang mạng và bạn bè học khối kỹ thuật. Ba người bạn cùng chí hướng miệt mài trong 7 tháng ròng lên ý tưởng, vẽ, làm mô hình, hoàn thiện và cải tiến sản phẩm. 

“Đó là những ngày thực sự bị ám ảnh bởi rác và rác, ở đâu và làm gì cũng thường trực nỗi trăn trở làm sao để đứa con tinh thần được hoàn thiện nhất có thể”, Thanh Tuyền chia sẻ. Kinh phí nghiên cứu được Holcim tài trợ, khi bắt tay làm mô hình thực thì hết vốn, số tiền học bổng khuyến khích học tập “cứu bồ” kịp thời, và nhóm bắt đầu những ngày rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố tìm nơi “chịu” làm sản phẩm.

Hoàng Việt kể: “Đem bản vẽ đến gần 30 cơ sở sản xuất tôn trong thành phố đều nhận được sự quan tâm, tò mò, nhưng kèm theo đó là cái lắc đầu, không làm vì khó và lạ quá”. May mắn, nhóm gặp một người làm việc tại Cơ sở Bình Tân cảm được sự đam mê nghiên cứu khoa học của nhóm, đã bỏ công sức làm giúp và tính giá “hữu nghị”. 

Khâu thử nghiệm mô hình ở Bến xe Miền Tây thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của đông đảo người qua lại. “Dù khản cả giọng để giải thích về mô hình và lợi ích của việc phân loại chất thải nhưng cả nhóm đều hào hứng”, Thanh Tuyền phấn khởi cho biết.

Dự kiến trong thời gian tới, Dự án “Phân loại chất thải rắn tại nguồn” của Sở Tài nguyên và Môi trường được triển khai diện rộng sẽ là mô hình tiêu biểu được đưa vào sản xuất đại trà.

Hà My
Theo Doanh nhân Sài Gòn (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->