Sau 5 năm phối hợp thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ trên 7.000 lượt hộ nông dân sản xuất thảo quả nâng cao năng suất, chất lượng và tăng giá trị thu nhập từ 15 - 20%. Từng bước liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm thảo quả, tạo sản phẩm chè chất lượng an toàn, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với bảo vệ tài nguyên rừng và xóa đói giảm nghèo bền vững cho nông dân vùng cao Lào Cai. Tổ chức SNV đã phối hợp với Lào Cai triển khai khá thành công mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, với 35ha diện tích chè an toàn tại vùng chè nguyên liệu Bảo Thắng.
Tổ chức SNV cũng đã hỗ trợ tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đưa sản phẩm thảo quả Lào Cai ra hai thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản. Sự liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh nông sản được tăng cường, giúp nông dân tăng khả năng đàm phán về giá trong khi bán nông sản. Các hoạt động dự án do tổ chức SNV đã hỗ trợ tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức của người dân vùng cao về kiến thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn thị trường, các biện pháp nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chế biến, quảng bá và thương mại hóa sản phẩm.
Theo ông Phạm Đình Quê, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, với sự hỗ trợ của tổ chức SNV, lần đầu tiên tỉnh được tiếp cận một mô hình hiệu quả theo chuỗi giá trị từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Đặc biệt, tổ chức SNV đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức, hộ nông dân sản xuất nông lâm nghiệp về phương pháp, kỹ năng tiếp cận theo chuỗi giá trị tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mô hình liên kết giữa nông dân với các đơn vị kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp trên địa bàn. Xây dựng một số mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến... nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước./. |