Đời sống [ Đăng ngày (04/01/2012) ]
“Quá tải” từ mục tiêu, phương pháp
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh, nhiều bậc phụ huynh lên tiếng cầu cứu, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, nhưng tình trạng quá tải trong nhà trường phổ thông vẫn chưa có biện pháp giải quyết thỏa đáng.

Báo Lao Động xin giới thiệu bài viết của GS-TS-NGND Võ Tòng Xuân như một sự gợi mở về lý luận, phương pháp luận và hành động thực tiễn tại trường song ngữ tinh hoa (TP.Long Xuyên, An Giang) do ông sáng lập, với tâm huyết tạo cơ sở cho “cuộc đổi mới lần thứ hai”.

Chương trình không phải là sách giáo khoa 

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã lặp lại lần thứ ba và nhấn mạnh vấn đề “cải tiến cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục”. Xã hội đang có nhiều ý kiến về tình trạng “quá tải giáo dục” vì thấy học sinh (HS) đi học mang theo khối lượng sách giáo khoa (SGK) nặng hơn trọng lượng của các cháu. Chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến việc tìm lời giải cho bài toán này chưa có kết quả là do các nhà chức trách chưa mạnh dạn nhìn thẳng vào cái cơ bản mà bất cứ hệ thống giáo dục nào cũng phải có, đó là xác định đúng mục tiêu giáo dục.
Trong giai đoạn hiện tại, mục tiêu giáo dục của chúng ta dường như là đào tạo ra những con người phi thường, học môn học nào cũng phải học hết các nội dung dành cho người phi thường. Do đó chương trình của bậc học phổ thông ở VN – nền tảng giáo dục cơ bản cho mỗi công dân – được nhồi nhét quá nhiều kiến thức, HS phải mang quá nhiều SGK. 

Và cái nguy hại lớn nhất là cả giáo viên (GV) và HS, không ai có quyền suy nghĩ vượt ra ngoài SGK. Đây là một chủ trương triệt tiêu mọi mầm mống sáng kiến, tư duy sáng tạo và tư duy phê phán. Từ lâu, các chuyên gia giáo dục đã lên tiếng, xã hội đã lên tiếng, nhưng hằng năm chỉ thấy Bộ GDĐT thay đổi SGK (rất tốn kém) mà không thấy một cải tiến cơ bản nào cho nền giáo dục nước nhà. 

Phát triển nền giáo dục hiện đại phải nhằm vào mục đích, yêu cầu mang 3 giá trị sau đây: (1) Cung cấp kiến thức và văn hóa có chất lượng; (2) trang bị cho người học đủ để trở thành thành viên của xã hội và (3) phát triển người học thành những cá nhân tiêu biểu. Tùy điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia mà mục tiêu giáo dục được phối hợp 3 giá trị nêu trên theo những tỷ lệ khác nhau và từ đó hình thành nên các môn học khác nhau trong chương trình học. 

Thông thường các chuyên gia môn học sẽ thiết kế nội dung môn học từ lớp mầm lên đến lớp 12. Song, khuynh hướng hiện nay là đi vào liên thông giáo dục, người ta không dừng lại ở lớp 12 mà đến năm cuối bậc đại học. Bộ GDĐT tổ chức xây dựng chuẩn kiến thức (CKT) và tiêu chí đánh giá (TCĐG). Căn cứ vào đó, các giáo sư giỏi, GV giỏi ở các trường phổ thông cũng có thể viết SGK. 

GV đứng lớp cũng căn cứ vào CKT và TCĐG đó để soạn thảo giáo án. Họ sẽ tham khảo nhiều bộ SGK để soạn thảo giáo án của mình. Môi trường giáo dục như vậy tạo ra một xã hội tri thức giàu sáng tạo, hoàn toàn khác với cách làm của Bộ GDĐT nước ta thời gian qua, chủ yếu là lo độc quyền SGK, ngăn cản tất cả sự sáng tạo và tự do tư duy của người dạy và người học. Từ đó, sự quá tải giáo dục bắt đầu,...

Đâu là nguyên nhân?

Trẻ em chính là trung tâm của quá trình dạy – học và để đánh giá một nền giáo dục, người ta căn cứ vào việc trẻ em học được cái gì, chứ không phải người lớn đã dạy những gì.

Trong trường phổ thông ở các quốc gia tiên tiến, HS học có vẻ nhàn hạ, vẫn giữ được tuổi thơ hồn nhiên. Trong khi đó, ở Việt Nam việc học đã “cắt ngắn” tuổi thơ của các cháu. Có thể gói gọn, nguyên nhân chính là chúng ta quá tải cả về khối lượng kiến thức cũng như về phương pháp nhồi nhét lượng kiến thức đó. Từ bộ trưởng cho đến hiệu trưởng vẫn quen đánh giá cấp dưới bằng những con số, dù biết rằng những con số này không nói lên sự thật bên trong. Bộ luôn mong muốn các tỉnh, thành đạt thành tích “năm sau cao hơn năm trước” và điều ấy vô tình tạo nên sức ép xuống các sở. Sở lại tạo sức ép về thành tích xuống các phòng và sức ép này tiếp tục lan truyền lên hiệu trưởng và cuối cùng là GV đứng lớp. Hậu quả là HS phải căng người ra học: Sau khi học trước ở các lớp học thêm, HS phải học lặp lại và cứ thế mà ứng dụng vào việc giải bài tập để đạt chỉ tiêu do người lớn đề ra. So với HS các nước, HS nước ta phải học một nội dung đến ít nhất 2 lần, quá tải là tất yếu. 

Nguyên nhân sâu xa của điều đó bắt nguồn từ “khuôn mẫu” đánh giá GV qua những gì “đã dạy trên lớp”, bất chấp những điều “đã dạy” có phải là những gì HS “học được” hay không. Điều này hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc mà nhà cải cách giáo dục lớn nhất thế kỷ XX John Dewey đã đưa ra và được nhiều quốc gia đồng tình, áp dụng: “Hãy trả trường học lại cho trẻ em”. Nghĩa là trẻ em chính là trung tâm của quá trình dạy – học và để đánh giá một nền giáo dục, người ta căn cứ vào việc trẻ em học được cái gì, chứ không phải người lớn đã dạy những gì.

Thực tiễn từ tinh hoa

Với tâm huyết xây dựng trường học làm cơ sở cho “cuộc đổi mới lần thứ hai”, tức là đổi mới về giáo dục (đổi mới lần thứ nhất là đổi mới trong kinh tế nông nghiệp), chúng tôi đã và đang từng bước xây dựng việc dạy - học tích cực tại trường song ngữ Tinh Hoa theo phương châm: “Mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc”.

Không dạy theo lối mòn “thầy nói trò nghe”, phương châm dạy học ở tinh hoa là “luôn khuyến khích HS đặt câu hỏi, rồi đi tìm lời giải”, bởi đối với trẻ, việc học diễn ra tốt nhất là khi các em không biết mình đang học, mà cứ nghĩ là mình đang chơi.  

Khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tiến trình hội nhập đang ở mức rất thấp. Vì vậy, nếu chúng ta chậm cải tiến nền giáo dục để tạo đà cho sự “đi tắt đón đầu” thì sẽ tiếp tục bị tụt hậu nhanh chóng và đành chấp nhận thua ngay trên sân nhà. Những nghiên cứu lịch sử cho thấy, các hệ thống giáo dục tiên tiến đều bắt nguồn từ nơi hội tụ giữa đường lối phát triển của Nhà nước và tập quán cổ truyền của xã hội để tạo ra mục tiêu mới cho nền giáo dục quốc gia. 

Để thực hiện mục tiêu giáo dục, mỗi quốc gia huy động mọi nguồn lực để thiết lập hệ thống trường học và những cơ chế quản lý thích nghi. Tuy nhiên, đối với nước giàu có bậc nhất như Nhật Bản, vẫn không bao giờ có đủ nguồn lực để biến mọi mục tiêu giáo dục thành hiện thực.  Do vậy, các cấp lãnh đạo phải nhận ra thực tiễn của xã hội mình để có chính sách thích ứng, dung hòa giữa mục tiêu cần đạt và nguồn lực sẵn có. 

Giáo dục là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Việt Nam đã rất anh dũng chiến thắng những kẻ giàu có đến xâm lược thì cũng phải linh động sáng tạo để chiến thắng cái nghèo dai dẳng đang kéo lùi bước tiến của toàn dân. Đã đến lúc nhà nước trung ương và nhà nước địa phương nhanh chóng tạo điều kiện cho toàn dân tham gia phát triển giáo dục bằng chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp xu thế của thời đại.

thanhnien.com.vn (dtphong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->