Cơ khí [ Đăng ngày (30/12/2011) ]
“Vua chế tạo máy” bên gốc chè
Ông Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trình độ học vấn 9/12 nhưng đã sáng chế và cải tạo thành công nhiều loại máy phục vụ việc sản xuất chè sạch như: Máy hút sâu chè, máy bón phân, máy hái chè...

Chẳng quản ngại phải đi mượn sách trẻ con, đi học làm thợ hàn, thợ tiện, ông đã làm được nhiều điều kỳ diệu từ nỗi niềm đau đáu: “Làm sao để dân mình có chè sạch, giá cao, lên nương đỡ khổ...”.

Bất ngờ máy hút... sâu chè

Nhà ông Hoàn ở giữa một quả đồi cao, xung quanh là những nương chè xanh ngát. Lúc chúng tôi đến, ông đang hút sâu chè bằng máy do mình sáng chế. Thấy mọi người ngạc nhiên vì chiếc máy có trọng lượng nhẹ lại tạo ra nguồn gió xoáy mạnh, hút được nhiều loại sâu mà không ảnh hưởng tới búp chè, ông Hoàn đã giãi bày với chúng tôi việc sáng chế chiếc máy.

Gia đình ông Hoàn cũng như các hộ dân khác trong thôn, thu nhập chính từ trồng chè, trung bình mỗi nhà sở hữu từ 8 đến 10ha. Để có sản phẩm chất lượng tốt, giá thành cao, cần phải có nguyên liệu tốt. Chè tươi ngon là loại búp “một tôm hai cá”, nghĩa là một nõn và hai lá non. Khi chè chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch cũng là lúc các loại sâu như bọ rày, bọ cánh tơ, nhện đỏ… phát triển mạnh. Những loại sâu này có đặc điểm chung là rất nhỏ, chúng hút nhựa cây ở phần búp non làm cho ngọn chè xoăn lại, có thể làm cây chết.

Ngày trước, mỗi khi phát hiện ra nương chè có sâu, người dân điều trị bằng phương pháp truyền thống là dùng tro bếp trộn với vôi bột rắc lên cây, rất tốn kém về công sức và tiền bạc. Sau này, mọi người tìm đến thuốc hóa học để diệt sâu. Phương pháp phun thuốc có ưu thế diệt nhanh, diệt mạnh, nhưng ô nhiễm môi trường, có hại cho sức khỏe con người. Vì phun thuốc mà trong thôn đã có nhiều trường hợp mắc bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, đau mắt đỏ và hiện tượng ngộ độc chè cũng đã xảy ra… Từ đó, nhiều gia đình trồng riêng những nương chè không phun thuốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình và anh em họ hàng. “Để giữ cho không khí trong lành, người sản xuất không còn nguy cơ bệnh tật, người tiêu dùng được sở hữu chè sạch, cần thiết phải có một loại máy bắt sâu, dễ sử dụng và tôi mày mò quyết làm cho được” -ông Hoàn kể.

Mượn sách học trò để chế tạo máy

Trước tiên, ông lên nương chè tìm hiểu kỹ về đặc điểm các loại sâu. Sau một tuần nghiên cứu, ông đã phát hiện ra điểm chung của những con sâu này là khi hút nhựa, nó chỉ cắm vòi vào búp non còn chân thả lỏng nên rất dễ tách chúng ra khỏi ngọn chè. ông thử làm một thí nhiệm nhỏ, đặt chiếc quạt bàn chạy bằng điện ắc -quy 12V phía dưới gốc chè. Khi quạt quay luồng, gió đã hất tung nhiều con sâu lên cao. Từ đó ông cho rằng, cần phải có một loại máy tạo ra luồng gió hút theo chiều từ dưới lên sẽ bắt được toàn bộ côn trùng trên thân và ngọn cây chè. ông đã mượn các cháu sách vật lý từ lớp 10 đến lớp 12, mượn tài tiệu của Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang và mua một số động cơ cũ về nghiên cứu.

Qua nhiều đêm thức trắng mày mò, ông Hoàn đã có bản vẽ cấu tạo máy hút sâu chè hoàn chỉnh gồm các bộ phận: Động cơ đốt trong hai thì, ống bao, ty truyền lực, cánh quạt, bầu hút, khoang chứa sâu. Máy hoạt động theo nguyên lý: Động cơ nổ đốt cháy nhiên liệu, tạo ra lực làm cách quạt quay sinh ra gió. Nhưng quá trình làm, ông gặp không ít khó khăn. Sau khi mua một số động cơ về cuốn lại theo đúng ý định, ông đã tìm đến các xưởng cơ khí trên địa bàn thuê làm cánh quạt và các bộ phận khác của máy nhưng mọi người đều từ chối giúp đỡ, vì họ không hiểu cái bản vẽ nhằng nhịt của ông định nói gì. Điều đó bắt buộc người nông dân này phải tầm sư học đạo để trở thành thợ hàn, thợ tiện trước khi thành nhà sáng chế. Gần 50 tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhưng việc học tập dường như đã tiếp thêm cho ông niềm đam mê sáng tạo. Mấy tháng liền, người dân thôn Tiền Phong chỉ thấy ông chân đất, đầu trần thường xuyên đạp chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất cũ rích rời khỏi nhà từ rất sớm nhưng về thì lại quá khuya; thỉnh thoảng đang đi chợt ông dừng đột ngột, chạy vào vệ đường viết viết, xóa xóa. Hàng xóm cho rằng đầu óc ông có vấn đề nên mới nghĩ ra cái trò sáng chế này nọ. Còn mọi người trong gia đình thì lo lắng cho sức khỏe của ông...

Sau một năm nghiên cứu, chế tạo, vượt qua bao lời tiếng thị phi, chiếc máy hút sâu mang thương hiệu Nguyễn Văn Hoàn đã ra đời. Nhưng ban đầu, khi mang ra nương chè thử nghiệm, hiệu quả lại không cao. Máy hút được sâu và cũng hút “được” cả búp chè non, vì luồng gió máy tạo ra có độ xoáy quá lớn. ông đã phát hiện ra cánh quạt có độ cong không phù hợp nên không tạo ra lượng gió xoáy êm cần thiết. Sau 3 tháng điều chỉnh máy hút cho hiệu quả, đã hút được toàn bộ sâu trên thân và lá chè mà không ảnh hưởng tới búp. Toàn bộ chi phí chế tạo máy hút sâu hết gần 500.000 đồng, bằng 1/4 số tiền mua  một chiếc máy phun thuốc trừ sâu. Nhưng điều ông Hoàn cũng như người dân ở đây tâm đắc nhất là nếu dùng máy hút sâu trên một héc -ta chè đúng bằng thời gian dùng máy phun thuốc hóa học mà chi phí mua nhiên liệu lại rẻ hơn nhiều lần, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra chè sạch, có lợi cho cộng đồng.

Máy bón phân, máy hái chè, máy cày, máy đốn cây

Thành công với máy hút sâu chè năm 2008 thì giữa năm 2009 ông Hoàn tiếp tục cho ra đời với sáng chế máy cày kết hợp với bón phân vô cơ. Thường thì người dân ở thôn Tiền Phong vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là cuốc rãnh bên cạnh cây, bỏ phân và lấp đất. Phương pháp đó tốn rất nhiều công, nên một số gia đình đã phun thuốc kích thích tăng trưởng, từ đó dẫn đến cây chè nhanh thoái hóa giống, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Khắc phục điều này, ông Hoàn đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy cày mi ni kết hợp với bón phân vô cơ hoạt động theo phương thức liên hợp “hai trong một”, đó là toa ống dẫn phân hóa học được thông với đế lưỡi cày theo thể thức xoắn ruột mèo. Khi đất được lưỡi cày lật lên cũng là lúc phân được đẩy xuống một lượng nhất định bằng một cữ cụ thể. So với phương pháp truyền thống, máy đã cho năng suất lao động tăng 300%. Cuối năm 2010, ông Hoàn tiếp tục nghiên cứu, sáng chế thành công máy hái chè mi ni cho một người sử dụng nhưng hiệu quả công việc bằng 10 người làm. Đầu năm 2011, ông lại cải tiến thành công máy phát cỏ thành máy đốn chè. Xuất phát việc này từ chỗ thời điểm đốn chè thường vào dịp cuối năm bận rộn nhưng lại đòi hỏi phải tiến hành rất khẩn trương, nhiều gia đình đã phải làm ngày làm đêm cho kịp thời vụ. ông Hoàn còn nghiên cứu và điều chỉnh những hạn chế của cánh quạt và đầu trục của máy cắt cỏ thành máy đốn chè rất dễ sử dụng.

Khi thấy các loại máy ông Hoàn sáng chế và cải tiến hoạt động có hiệu quả cao, người dân trong xã và bà con nhiều vùng trồng chè đã tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm và công nghệ. ông Hoàn tận tình hướng dẫn và gia công chế tạo máy cho nhiều gia đình sử dụng mà không đòi hỏi tiền thù lao. Với máy hút sâu chè tự chế, ông Nguyễn Văn Hoàn đã đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 3 (2008-2009). Ngoài ra, ông còn được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất giỏi 5 năm (2004-2008), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

 Xê-ri máy phục vụ sản xuất chè của ông Hoàn rất hữu ích, nhưng để làm ra một sản phẩm theo kiểu thủ công tốn rất nhiều thời gian. Vì thế, ông mong muốn tặng toàn bộ những sáng chế của mình cho Nhà nước. ông cũng mong các nhà máy, công ty, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất đại trà các loại máy này bán ra thị trường tự do với giá rẻ, phục vụ người trồng chè cả nước. Các tổ chức, cá nhân quan tâm đến vấn đề này xin liên hệ qua Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; Điện thoại tác giả: 0972.530999

Mè Quang Thắng
Theo http://www.qdnd.vn (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu xử lý bùn thải sinh học từ hệ thống xử lý nước thải cơ sở giết mổ gia súc thành sinh khối nuôi giun quế (Perionyx Excavatus)
Giun quế hay còn gọi là giun đỏ được nuôi và sản xuất thương mại ở nhiều địa phương. Trong nông nghiệp, giun quế được xem là loại thức ăn sạch, giàu đạm bổ sung dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, phân giun quế cũng được đánh giá là một chế phẩm phân hữu cơ sinh học rất tốt cho nhiều loại cây trồng, sử dụng thay thế phân vô cơ, như giải pháp để sản xuất các loại rau sạch, an toàn. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các trang trại chăn nuôi thường tận dụng phân gia súc, gia cầm kết hợp với rơm rạ hoặc rác thải sinh hoạt để nuôi giun quế. Nuôi giun qué bằng phân tươi của động vật có thể gây ra các vấn đề liên quan an toàn vệ sinh và ô nhiễm môi trường.




Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->