Đời sống [ Đăng ngày (23/12/2011) ]
Cần định hướng nghề nghiệp cho thanh niên
Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn Cần Thơ, đã giúp nhiều thanh niên chí thú làm ăn và vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn không ít thanh niên lười lao động, ngại khó, nên sau bao năm lập nghiệp “nghèo vẫn hoàn nghèo”,... Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên là một trong những vấn đề quan trọng, cần được các cấp bộ Đoàn quan tâm hơn.

Thiếu ý chí lập nghiệp

Cách đây 2 năm, anh N.V.H., (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được cán bộ Đoàn phường vận động tham gia lớp sửa chữa xe gắn máy. Thấy nhiều thanh niên trong khu vực “ăn nên làm ra” từ nghề sửa xe, bà N.T.A. - mẹ H. khuyên con học nghề. Bỏ ngoài tai những lời mẹ khuyên H. một mực đòi lên tận TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Từ ngày làm việc ở thành phố, mỗi lần về thăm nhà, H. đều ăn diện bảnh bao. Là công nhân cho một công ty giày da, tuy tiền lương khá cao, nhưng hễ kiếm được đồng nào, H. đều “nướng” hết vào các chầu ăn nhậu, chơi bời. Gần 2 năm đi làm, nhiều lúc H. phải ngửa tay xin tiền gia đình để đắp đổi qua ngày. Kể về con trai, bà A. rưng rưng nước mắt: “Hiện nay, H. nghỉ làm việc ở TP Hồ Chí Minh rồi, thế nhưng nó không chịu học nghề, không lo làm ăn, suốt ngày chỉ “tụ năm tụ ba” đi chơi thâu đêm suốt sáng. Chi phí sinh hoạt trong nhà chỉ trông vào tiền bán xôi của tôi”.

Không riêng H., hiện nay không ít bạn trẻ có tâm lý thích “ngồi mát ăn bát vàng”, tìm những công việc nhẹ nhàng nhưng lương thì phải kha khá. Như N.H.T. (quê ở Hậu Giang) vừa tốt nghiệp THPT, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên T. không có điều kiện học tiếp. Thấy T. có trình độ khá, cán bộ Xã đoàn đã vận động và cử đi học ngành chăn nuôi thú y ở một trường trung cấp tại TP Cần Thơ, để sau này trở về phục vụ tại địa phương. Thế nhưng, T. một mực từ chối, sợ bạn bè chê cười khi mình học nghề “chích heo”. Theo lời rủ rê của bạn bè, T. đi Bình Dương lập nghiệp. Từ ngày T. đi làm, cứ cách vài tháng, gia đình lại nhận được điện thoại cầu cứu vì lâm nợ. Gia đình T. phải liên tục vay tiền của bà con để “hỗ trợ” cho T. Năm nay, cha mẹ T., phải cầm cố bớt 3.000m2 đất để trả nợ, số còn lại hơn 7.000m2 đất cho mướn, cha mẹ T. đã lớn tuổi, mất sức lao động.

Nói về việc vận động thanh niên học nghề, anh Nguyễn Hồng Dương, Bí thư Đoàn phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), bộc bạch: “Thực tế ở địa phương, các cấp, các ngành có nhiều biện pháp hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế gia đình, như: hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây, con giống,... nhưng nhiều thanh niên chưa định hướng đúng đắn trong lựa chọn nghề nghiệp cộng với sự ham chơi, đua đòi, không chí thú làm ăn, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình”. Theo nhiều cán bộ Đoàn, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhiều thanh niên vùng ngoại thành đang có xu hướng ly nông, chạy theo mộng đổi đời ở thị thành. Tuy nhiên, bên cạnh những bạn trẻ ham học hỏi, cầu tiến trong lập thân, lập nghiệp, thì vẫn còn một bộ phận thanh niên có tâm lý ngại khó, thiếu ý chí vươn lên, thường chọn nghề theo phong trào, không phù hợp với trình độ, không thích ứng với môi trường công nghiệp nên sau bao năm làm việc, tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Cần định hướng nghề nghiệp cho thanh niên

Thực tế có nhiều thanh niên chí thú làm ăn và nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đã vươn lên làm giàu chính đáng. Theo anh Huỳnh Trung Trứ, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, để giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho thanh niên. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn Cần Thơ đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 19.500 thanh niên, xây dựng 76 mô hình kinh tế có hiệu quả, 403 Câu lạc bộ, tổ, nhóm thanh niên giúp nhau lập nghiệp,...

Cùng sự trợ lực của các cơ sở Đoàn và sự chí thú làm ăn, nhiều thanh niên đã vươn lên thoát nghèo. Như anh Cao Vũ Phương ở ấp Thanh Di, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, từ khi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, anh đã ứng dụng mô hình đa canh. Cùng với việc nuôi cá trên 4.500m2 ruộng lúa, anh Phương trồng thêm nấm rơm. Từ các mô hình lúa - cá - nấm rơm, mỗi năm anh đạt lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Anh Phương cho biết: “Tại địa phương, nhiều thanh niên cũng đã từng lên TP Hồ Chí Minh làm ăn, nhưng tôi quyết tâm lập nghiệp tại quê nhà. Tôi tin nếu chí thú làm ăn cộng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cuộc sống sẽ khá giả hơn”. Hay như anh Nguyễn Văn Ngói ở khu vực Thạnh Lợi 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, trước đây hoàn cảnh cũng rất khó khăn, nhờ áp dụng mô hình nuôi rắn ri voi và nuôi cá lóc trong vèo, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Điều đáng trân trọng là anh Phương, anh Ngói đều sẵn sàng tư vấn, giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm giúp thanh niên có định hướng đúng hơn trong lập thân, lập nghiệp.

Theo anh Huỳnh Trung Trứ, để thanh niên có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, sắp tới bên cạnh tăng cường hỗ trợ vốn vay, tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề, các cấp bộ Đoàn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật,... giúp thanh niên chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu.

Dân An
Theo Báo Cần Thơ (dtphong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->