Cơ khí [ Đăng ngày (28/11/2011) ]
Bơm nước không dùng nhiên liệu
Không dùng bất cứ loại nhiên liệu, động cơ nào, nhưng hệ thống máy bơm do ông Trần Đình Huân, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum thiết kế, chế tạo vẫn đưa nước lên cao đến 70m và đi xa một km.

“Nhờ có máy của ông Huân mà hai năm qua, tôi không phải tốn tiền mua dầu, cũng không vất vả, khó khăn đưa máy xuống suối như trước. Có máy bơm này, nông dân chúng tôi lợi vô kể”. Anh Trần Hồng, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã nói về sản phẩm sáng tạo của ông Huân như thế.
Cái khó ló cái khôn
Kể về sự ra đời của hệ thống máy bơm này, ông Huân nói: “Cái khó ló cái khôn”. Những năm cuối thập niên 1990, như bao người dân tỉnh Kon Tum lúc đó, ông Huân  bắt đầu trồng cà phê khi được giá.
Cơn sốt đó khiến thầy giáo Trần Đình Huân phải chạy vạy, vay muợn người thân, bạn bè tiền để mua 5 ha đất trồng loại cây này. Khi cà phê bắt đầu bước vào thời kỳ cho quả ổn định cũng là thời điểm giá rớt thê thảm. Thầy Huân đã có lúc tính chuyện chia tay cà phê vì không có tiền để đầu tư cho công đoạn chăm sóc.
Sau giờ lên lớp, tôi lại lên rẫy nhìn cà phê đang thời kỳ trổ hoa bị héo dần do không được tưới nước”. Lúc đó, nhìn con suối dưới chân rẫy vẫn ngày đêm cuồn cuộn nước, ông Huân bỗng nảy ý tưởng: Tại sao không lợi dụng sức nước?
Năm 2003, sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Huân cho rằng: phải thiết kế được máy bơm tận dụng sức nước tương tự máy thủy điện nhỏ mà người dân vùng này vẫn thường dùng để cung cấp điện sinh hoạt.
Để hoàn thành bản vẽ, ông giáo Huân tự học giáo trình thủy năng của ĐH Bách khoa TP HCM và nhờ học trò cũ, vốn học qua môn động lực học, bổ sung kiến thức cho mình.
Mất nhiều tháng để có được bản vẽ nhưng khi mang đến một tiệm cơ khí trong huyện đặt sản xuất thì chủ tiệm cho là ông… mắc bệnh hoang tưởng với câu bình phẩm “thầy có bị hâm không đấy?” và còn cá cược:“nếu thành công tôi sẽ chịu mất tiền tỷ”.
Bị tạt gáo nước lạnh ngay lần đầu tìm người cộng tác, ông Huân rời thị trấn Đăk Hà về thị xã Kon Tum tìm đến một học trò cũ đang là thợ cơ khí chuyển bản vẽ thành hiện thực. Dù chưa mấy tin, nhưng không nỡ làm thầy buồn lòng, anh nhận lời.
Sau nhiều tuần bám xưởng cùng cậu học trò, chiếc máy bơm đầu tiên đã hoàn thành. Lòng đầy hồi hộp, hai thầy trò đưa máy đến dòng suối Đăk Hring lắp thử. “Lúc khởi động tua bin, máy quay bắn nước lên cao, tôi mừng rơi nước mắt”, ông Huân tâm sự.
Kinh tế, thân thiện với môi trường
Song niềm vui với “đứa con đầu lòng” không trọn vẹn, do thiết kế bơm trục ngang, 6 ổ bi nên nước bơm lên yếu, bánh răng chóng mòn, kêu to và hay hỏng hóc. Qua nhiều lần cải tiến, khắc phục, đến nay máy có cấu tạo đơn giản gồm: tua bin, hai trục, bốn ổ bi, hai pu-ly, dây cu-roa, khung cố định, buồng bơm, lúc khởi động không cần mồi nước.
Đến nay, máy có thể đưa nước xa cả 1.000m, lên độ dốc hơn 70m, đường kính ống 50mm vẫn rất mạnh. Độ mạnh của máy tùy thuộc vào độ cao của thác và buồng máy to, nhỏ. Chỉ cần tạo dòng và xây lại cho nước đi đúng luồng thì bất kỳ một dòng nước có thác cao trên 1m nào đều có thể lắp đặt cùng lúc nhiều máy.
Đặc biệt, không dùng dầu nên máy không thải khí gây ô nhiễm môi trường. “Để thành công được như ngày hôm nay, tôi phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng nghiên cứu, chế tạo, nhưng không biết đến lúc nào mới hoàn vốn. Tôi sáng chế để cho mình và chia sẻ cho nông dân”, ông cho biết. Tuy nhiên, điều làm ông Huân vui nhất là máy có thể sử dụng ở bất cứ vùng miền nào có thác nước.
Tính thực tiễn cao đã đưa chiếc máy bơm nước này đi xa. Nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai… đã tìm đến mua, nhờ chỉ kỹ thuật lắp đặt. Giá trị kinh tế rất to lớn, nhưng giá máy khá phù hợp: 5 triệu đồng một chiếc. Sáng chế này đã Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận bản quyền vào tháng 6/2008.
http://www.banytuong.net (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu xử lý bùn thải sinh học từ hệ thống xử lý nước thải cơ sở giết mổ gia súc thành sinh khối nuôi giun quế (Perionyx Excavatus)
Giun quế hay còn gọi là giun đỏ được nuôi và sản xuất thương mại ở nhiều địa phương. Trong nông nghiệp, giun quế được xem là loại thức ăn sạch, giàu đạm bổ sung dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, phân giun quế cũng được đánh giá là một chế phẩm phân hữu cơ sinh học rất tốt cho nhiều loại cây trồng, sử dụng thay thế phân vô cơ, như giải pháp để sản xuất các loại rau sạch, an toàn. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các trang trại chăn nuôi thường tận dụng phân gia súc, gia cầm kết hợp với rơm rạ hoặc rác thải sinh hoạt để nuôi giun quế. Nuôi giun qué bằng phân tươi của động vật có thể gây ra các vấn đề liên quan an toàn vệ sinh và ô nhiễm môi trường.




Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->