Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trích ly hợp chất Polyphenol và Flavonoid từ lá dâu tằm (Moruss Alba L.)
Trong sách cổ Trung Quốc, cây dâu Tằm (Morus alba L.) được coi là loại cây quý, bởi nó có rất nhiều công dụng đối với con người, vừa có thể làm thuốc trị bệnh vừa có thể làm thực phẩm bồi bổ cơ thể. Lá dâu Tằm có nhiều ứng dụng trong ẩm thực, y học và công nghiệp. Có tác dụng hỗ trợ điều trị chóng mặt, kiết lỵ, hỗ trợ chức năng gan, duy trì làn da tươi trẻ, các triệu chứng ho, cảm lạnh, tăng cường máu, điều trị đau bụng và tăng cường mắt.

Nhiều nghiên cứu và sách viết về lá dâu Tằm cho thấy các hợp chất sinh học hiện diện trong chúng chủ yếu là các hợp chất chống oxy hóa như polyphenol, vitamin C, chúng còn chứa kẽm, canxi, sắt, kali, phốt pho và magie. Lá dâu Tằm có tính dược liệu trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh. Ngoài ra theo Đông y, lá dâu Tằm có vị đắng ngọt, tính lạnh, vào 2 kinh can và phế, có tác dụng tán phong, thanh nhiệt (trừ cảm mạo, sốt nóng) làm mát máu, sáng mắt, nhuận phổi, làm ra mồ hôi, dùng chữa các bệnh cảm sốt, nhức đầu, đau mắt đỏ, ho... 
Mặc dù lá dâu Tằm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và được trồng rộng rãi. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về việc trích ly các hợp chất mang hoạt tính sinh học trong lá dâu Tằm còn hạn chế. Vì lý do đó, việc thực hiện nghiên cứu phương pháp tăng khả năng trích ly các hợp chất mang hoạt tính sinh học trong lá dâu Tằm (chủ yếu là polyphenol và flavonoid) để làm nguyên liệu cho các sản phẩm khác là hết sức cần thiết.

1. Chuẩn bị nguyên liệu nghiên cứu

Nguyên liệu lá dâu Tằm tươi sau khi thu hoạch từ trang trại ở xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang sẽ được xử lý để lấy những là xanh, không bị sâu bệnh và cách đọt ít nhất 4 lá non rồi được sấy bằng tủ sấy đối lưu ở nhiệt độ 80oC cho đến khi độ ẩm đạt dưới 7% rồi cắt nhỏ từ 3 ÷ 5 cm, sau đó cho vào túi ghép miệng với khối lượng mỗi túi 100 gam lá để bảo quản trong tủ kính nhằm phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

2. Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 1 nhân tố và 3 lần lặp lại. Kết quả của thí nghiệm trước làm thông số cho thí nghiệm sau.

Thí nghiệm 1: Khảo sát tỷ lệ lá dâu Tằm/nước bổ sung (1/10, 1/15, 1/20, 1/25 và 1/30 g/mL) trong quá trình trích ly polyphenol và flavonoid từ lá dâu Tằm. Tổng cộng có 5 x 3 = 15 mẫu thí nghiệm.

- Phương pháp tiến hành: Mỗi mẫu được sử dụng 50 g lá dâu Tằm khô đã được chuẩn bị trước rồi bổ sung thêm nước lọc theo tỷ lệ bố trí bên trên để trích ly ở nhiệt độ 80oC trong thời gian 45 phút. Dịch trích ly sau khi thu hồi bằng cách lọc qua vải kate sẽ được phân tích các chỉ tiêu theo dõi gồm polyphenol và flavonoid để tìm ra tỷ lệ nước bổ sung tốt nhất.

Thí nghiệm 2: Khảo sát nhiệt độ thích hợp (60, 70, 80 và 90oC) để trích ly polyphenol và flavonoid từ lá dâu Tằm. Tổng cộng có 4 x 3 = 12 mẫu thí nghiệm.

- Phương pháp tiến hành: Mỗi mẫu được sử dụng 50 g lá dâu Tằm khô đã được chuẩn bị trước rồi bổ sung thêm nước lọc theo tỷ lệ được lựa chọn từ Thí nghiệm 1 để trích ly ở nhiệt độ được bố trí như trên trong thời gian 45 phút. Dịch trích ly sau khi thu hồi bằng cách lọc qua vải kate sẽ được phân tích các chỉ tiêu theo dõi gồm polyphenol và flavonoid để tìm ra nhiệt độ trích ly tốt nhất.

Thí nghiệm 3: Khảo sát thời gian thích hợp (15, 30, 45 và 60 phút) để trích ly polyphenol và flavonoid từ lá dâu Tằm. Tổng cộng có 4 x 3 = 12 mẫu thí nghiệm.

- Phương pháp tiến hành: Mỗi mẫu được sử dụng 50 g lá dâu Tằm khô đã được chuẩn bị trước rồi bổ sung thêm nước lọc theo tỷ lệ được lựa chọn từ Thí nghiệm 1 để trích ly ở nhiệt độ được lựa chọn ở Thí nghiệm 2 trong thời gian như bố trí bên trên. Dịch trích ly sau khi thu hồi bằng cách lọc qua vải kate sẽ được phân tích các chỉ tiêu theo dõi gồm polyphenol và flavonoid để tìm ra nhiệt độ trích ly tốt nhất.

3. Phương pháp phân tích các chỉ tiêu

Xác định hàm lượng polyphenol theo phương pháp Folin-Ciocalteau ở bước sóng 750 nm.

Xác định hàm lượng flavonoid theo phương pháp Aluminium Choloride Colorimetric ở bước sóng 415 nm.

4. Hóa chất

Acid gallic, folin-Ciocalteau, natri cacbonat, quercetin, aluminium chloride, sodium acetate, ethanol được mua từ Công ty Hóa chất Sigma (Mỹ). Tất cả hóa chất dùng để phân tích các chỉ tiêu theo dõi.

5. Thiết bị và dụng cụ

Máy đo hấp thụ quang phổ UV 1800, tủ sấy đối lưu UF260/Memmert, cân phân tích 4 số lẻ, covet 10 mm và một số dụng cụ, thiết bị khác.

6. Phương pháp phân tích dữ liệu

Số liệu được phân tích ANOVA, kiểm tra sự khác biệt ý nghĩa của các nghiệm thức thông qua LSD (Least Significant Difference) bằng phần mềm Statgraphics XV.I. Sử dụng Microsofft Excel 2016 để vẽ biểu đồ.

7. Kết luận

Nghiên cứu này đã xác định được điều kiện trích ly thích hợp để thu được dung dịch trích giàu polyphenol và flavonoid từ lá dâu Tằm gồm: tỉ lệ nguyên liệu/nước bổ sung là 1/25, nhiệt độ trích ly 80oC, thời gian trích ly là 30 phút sẽ thu được dịch trích từ lá dâu Tằm với hàm lượng polyphenol và flavonoid lần lượt là 366 mg GAE/100 g DM và 77 mg QE/100 g DM.

dtnkhanh
Theo Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp (tập 13, số 2, năm 2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->