Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution đã kết hợp dữ liệu phân bố hóa thạch cùng các thông tin về điều kiện khí hậu cổ đại, nhằm làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của loài thằn lằn bay trong suốt kỷ Trias, kỷ Jura và kỷ Phấn trắng. Các nhà khoa học từ Đại học Birmingham, University College London và Friedrich-Alexander-Universität Erlangen-Nürnberg đã tập trung vào hai nhóm họ hàng gần gũi: pterosaurs và lagerpetids.
Nghiên cứu cho thấy, trong quá trình tiến hóa, lagerpetids, một loài bò sát nhỏ, năng động sống trên cạn và trên cây cách đây khoảng 240-201 triệu năm, có khả năng thích nghi rộng rãi với các điều kiện khí hậu khác nhau, kể cả các vùng khô hạn của siêu lục địa cổ đại Pangea. Trong khi đó, loài thằn lằn bay ban đầu chỉ giới hạn ở những khu vực ẩm ướt hơn của thế giới cổ đại, đặc biệt là gần các đường xích đạo, như các bằng chứng hóa thạch từ Ý, Áo và Tây Nam Hoa Kỳ cho thấy. Khi điều kiện khí hậu toàn cầu thay đổi trong cuối kỷ Trias, môi trường ấm áp và ẩm ướt bắt đầu mở rộng ra các khu vực ngoài vùng xích đạo, tạo cơ hội cho các loài thằn lằn bay phân tán đến nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm các vùng vĩ độ cao như Greenland và Nam Mỹ. Điều này đã thúc đẩy sự đa dạng và phân bố rộng rãi của chúng trong quá trình tiến hóa.
Tiến sĩ Alessandro Chiarenza từ University College London, đồng tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ rằng: “Khi kết hợp lại, các mô hình sinh thái và dữ liệu hóa thạch vẽ nên một bức tranh thống nhất về quá trình tiến hóa ban đầu của loài thằn lằn bay.” Ông cũng nhấn mạnh rằng, trong khi các lagerpetids phát triển thành những loài động vật đa năng và thích nghi linh hoạt trong môi trường cổ đại, các loài thằn lằn bay ban đầu chỉ giới hạn trong các hốc nhiệt đới ẩm và khả năng bay của chúng dường như còn hạn chế. Tuy nhiên, dưới tác động của sự thay đổi khí hậu, chúng đã nhanh chóng chiếm lĩnh các ngọn cây ở vùng nhiệt đới, mở ra xuất phát điểm cho hành trình tiến hóa đầy hứa hẹn của loài này trong lịch sử sinh học của trái đất. |