Sinh vật [ Đăng ngày (16/06/2025) ]
Phát hiện chủng nấm có khả năng tạo hợp chất giúp giảm cholesterol
Các nhà khoa học trong nước mới đây đã phát hiện một chủng nấm Rhizopus có khả năng sản xuất lovastatin – hoạt chất giúp giảm cholesterol, mở ra triển vọng ứng dụng nguồn vi sinh vật bản địa trong sản xuất thuốc hạ mỡ máu từ tự nhiên.

Statin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu, nhờ khả năng ức chế enzyme HMG-CoA reductase – yếu tố quan trọng trong quá trình tổng hợp cholesterol tại gan. Khi enzyme này bị ức chế, gan sẽ giảm sản xuất cholesterol, đồng thời lấy thêm cholesterol từ máu, nhờ đó làm giảm nồng độ cholesterol xấu – nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý về tim mạch, xơ vữa động mạch hay đột quỵ.

Lovastatin là một trong những statin tự nhiên đầu tiên được phát hiện, chiết xuất từ nấm Aspergillus terreus và chính thức được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 1987. Kể từ đó, nhiều loài nấm khác như Monascus ruber, Penicillium citrinum hay Rhizopus oryzae cũng được ghi nhận có khả năng tạo ra hoạt chất này. Hiện nay, sản xuất statin bằng công nghệ lên men vi sinh là phương pháp chủ yếu, thân thiện với môi trường và có thể tận dụng các nguyên liệu giá rẻ như cám gạo, vỏ cam, trấu…

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sản xuất statin bằng nấm vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở một số giống nấm quen thuộc như Monascus và Aspergillus, nhưng chưa có công bố về Rhizopus sp. Vì vậy, nhóm tác giả đến từ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương)... đã tìm và tuyển chọn các chủng nấm Rhizopus sp. có khả năng sản xuất lovastatin cao, nhằm ứng dụng trong công nghiệp dược.

Rhizopus là một loại nấm sợi thuộc chi Rhizopus, thường được tìm thấy trong tự nhiên, đặc biệt là trên các chất hữu cơ đang phân hủy như trái cây, bánh mì, hoặc thực phẩm có tinh bột. Đây là một trong những chi nấm mốc phổ biến, có vai trò quan trọng trong tự nhiên, công nghiệp thực phẩm, y dược và sinh học.

Chọn chủng nấm Rhizopus sp. để sản xuất lovastatin sẽ mang lại nhiều lợi thế so với các giống nấm đã quen thuộc như Monascus hay Aspergillus bởi Rhizopus là nấm bản địa, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu Việt Nam, giúp giảm chi phí nuôi cấy và tăng độ ổn định khi sản xuất. Bên cạnh đó, loài nấm này cũng phát triển nhanh, dễ nuôi trên nhiều loại nguyên liệu rẻ tiền, kể cả phế phẩm nông nghiệp. Trong khi, Monascus có nguy cơ sinh độc tố citrinin, ảnh hưởng đến gan, thận nếu không kiểm soát kỹ quy trình lên men; còn Aspergillus đòi hỏi điều kiện nuôi nghiêm ngặt, phát triển chậm và dễ tạo tạp chất.

Để tìm ra những chủng nấm có khả năng sản xuất lovastatin, các nhà nghiên cứu đã tiến hành sàng lọc năm chủng nấm Rhizopus có các mã số sp. 5155, 5154, BMM 313, 5280 và 5278 được phân lập từ các mẫu bánh men truyền thống (chế phẩm lên men làm từ bột gạo và thảo mộc, chứa nhiều vi sinh vật bản địa như nấm men, nấm mốc và vi khuẩn lactic).

Các chủng nấm được nuôi cấy trong môi trường thích hợp, sau đó tiến hành lên men trong điều kiện được kiểm soát chặt chẽ. Sau bảy ngày lên men, dịch nuôi được lọc, tách chiết sơ bộ và kiểm tra sự có mặt của lovastatin bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng, sử dụng mẫu lovastatin tinh khiết làm chuẩn.

Kết quả, nhóm phát hiện hàm lượng lovastatin cao nhất ở chủng Rhizopus sp. mang mã số 5280, đạt 34,59 mg/L – cao hơn so với nhiều công bố trước đây trên thế giới (đạt từ 15,8 - 55 mg/L). Chủng nấm này sau đó được định danh là Rhizopus microsporus 5280 dựa trên đặc điểm đặc điểm khuẩn lạc và vi thể.

Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện này không chỉ góp phần làm phong phú thêm kho tàng vi sinh vật bản địa có giá trị sinh học cao, mà còn mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi trong sản xuất thuốc hạ cholesterol và thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên tại Việt Nam.

Nghiên cứu của nhóm tác giả được công bố trên Tạp chí KH&CN Nhiệt đới, số 3/2025.

Link bài viết: https://khoahocphattrien.vn/ket-qua-nghien-cuu-moi/giam-phat-thai-dem-lai-loi-ich-kinh-te-ve-lau-dai/20250526114215683p1c944.htm

Minh Ánh
Theo www.khoahocphattrien.vn (nnttien)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->