Sao đen và dầu rái là hai loài cây gỗ lớn bản địa, có giá trị kinh tế cao, được xếp vào loại cây ưu tiên cho trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng cảnh quan, đô thị và khu công nghiệp.
Tại TPHCM, dầu rái và sao đen được trồng dọc các tuyến đường lớn và trong các công viên do có tán rộng, dày, thân cao, mọc thẳng đứng, ít phân cành ở tầm thấp, không cản trở giao thông. Ngoài ra, hai loài cây này còn được trồng thành rừng ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh,…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sâu ăn lá đã và đang gây hại nghiêm trọng đối với dầu rái và sao đen tại TPHCM cũng như các tỉnh lân cận. Tại các khu rừng trồng dầu rái và sao đen của Sư đoàn 9 ở huyện Củ Chi, sâu ăn lá bắt đầu xuất hiện từ tháng 3/2017, lan rộng trên diện tích khoảng 5 ha trong suốt mùa mưa, nhiều cây bị sâu ăn trụi lá và chết. Ngoài ra, sâu ăn lá còn tấn công các hàng sao đen và dầu rái trên đường phố. Tình trạng sâu ăn lá diễn biến phức tạp, diện tích bị sâu hại tăng lên, có khả năng lây lan sang các khu vực cây trồng khác.
Trước thực tế đó, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp quản lý sâu ăn lá (Antheraea frithi) gây hại cây dầu rái và sao đen tại TPHCM”.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập hơn 200 nhộng trên các cây dầu rái và sao đen tại Củ Chi, đem về phòng thí nghiệm nuôi tiếp cho đến khi vũ hóa (lột xác lần cuối), trưởng thành, bắt cặp, đẻ trứng, nở thành sâu non, đóng kén (hóa nhộng).
Kết quả, nhóm nhận thấy, sâu ăn lá có vòng đời từ 50 – 91 ngày, mỗi sâu cái trưởng thành đẻ trung bình 220 trứng, tập trung trên thân cây và bề mặt lá. Sâu non có 5 tuổi (5 lần lột xác), phân bố đều trên tán lá và gây hại mạnh ở tuổi 4 và 5. Kén được đóng trên cây, bám vào cuống lá và mặt sau của lá, phân bố đều khắp tán lá. Có 3 – 4 lứa sâu/năm gối nhau (các lứa sâu phát triển chồng lên nhau), gây hại từ tháng Tư đến tháng Mười.
Đồng thời, nhóm thử nghiệm các biện pháp phòng ngừa tại rừng trồng dầu rái và sao đen bị sâu ăn lá tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Kết quả cụ thể như sau:
Đối với biện pháp lâm sinh như bón phân kết hợp phát dọn thực bì (lớp thực vật tự nhiên mọc ở tầng dưới cùng của rừng gồm cỏ dại, dây leo, cành khô,…); vệ sinh rừng; thu gom tiêu diệt trứng, sâu, nhộng, trưởng thành đã giúp giảm diện tích cây bị hại (tỷ lệ bị hại) và mức độ thiệt hại (chỉ số bị hại) ở cả hai loài dầu rái và sao đen sau ba tháng tác động. Trong đó, tỷ lệ bị hại của sâu ăn lá giảm từ 60,9% xuống 47,4% đối với sao đen và từ 52,2% xuống 36,7% đối với dầu rái.
Biện pháp vật lý (bẫy đèn ánh sáng trắng và ánh sáng tím) đều thu hút được sâu ăn lá trong giai đoạn trưởng thành, cho thành công ở mức thấp đến trung bình, giúp giảm 26,2 - 35% lượng sâu ăn lá, nhưng chưa đủ mạnh để kiểm soát hoàn toàn sự gây hại của chúng.
Biện pháp sinh học phun 10 ngày với thuốc sinh học chứa hoạt chất Emamectin benzoate (Tasieu 1.9EC) và Spinosad (Akasa 25 EC) có hiệu lực (mức độ tiêu diệt sâu hoặc ngừng khả năng phát triển của chúng), đối với rừng trồng dầu rái là 83,1% và sao đen là 85,2%.
Biện pháp hóa học phun 10 ngày với thuốc hóa học chứa hoạt chất Deltamethrin (Decis 2.5EC), Cypermethrin (Sherpa 25EC) và Etofenprox (Trebon 10EC) có hiệu lực cao, đạt 91,9% đối với dầu rái và sao đen là 92,8%. Trong khi ở khu vực không sử dụng thuốc, tỷ lệ bị hại tăng 1,3 lần.
Kết hợp các biện pháp lâm sinh, vật lý và sinh học cho mức độ thành công của biện pháp phòng trừ đạt trên 76%.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng sổ tay hướng dẫn "Kỹ thuật quản lý sâu ăn lá gây hại cây dầu rái và sao đen tại TPHCM" với các nội dung chính như khái niệm về sâu hại cây rừng; đặc điểm sinh học sâu ăn lá dầu rái và sao đen (đặc điểm nhận biết, vòng đời của loài sâu ăn lá, tập tính và đặc điểm gây hại,…); biện pháp phòng trừ sâu ăn lá (nguyên tắc trong phòng chống sâu hại cây rừng, biện pháp thủ công, biện pháp bẫy đèn, biện pháp lâm sinh, biện pháp sinh học,…). Các kỹ thuật này có thể áp dụng trong việc bảo vệ cây dầu rái, sao đen ở TPHCM nói riêng và các khu vực khác nói chung.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt yêu cầu. |